Tại Hội nghị cán bộ đảng ngành giáo dục (tháng 6-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục phải giúp con người phát triển toàn diện, kết hợp lao động trí óc và chân tay, lấy tự học làm cốt.
Tư tưởng này mở đường cho giáo dục suốt đời và nền giáo dục mở. Được thể chế hóa trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng năm 2013 và Luật Giáo dục 2019, giáo dục không chỉ gói gọn trong nhà trường mà mở rộng ra gia đình, xã hội. Giáo dục khai phóng, coi trọng tự học hiện là nền tảng cho đổi mới giáo dục Việt Nam.
Kết hợp lý luận và thực tiễn
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò không thể tách rời giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục, quá trình hoạch định chính sách giáo dục cần xác định cơ sở khoa học của vấn đề; xem xét hoàn cảnh thực tế để triển khai phù hợp; lựa chọn phương án mang lại lợi ích cao nhất cho người dân. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, cần vượt qua tư duy giáo dục thuần túy là giảng dạy trong nhà trường. Giáo dục phải hướng đến việc giúp con người phát triển toàn diện, hướng thiện và hạnh phúc. Người thầy không chỉ là người truyền đạt mà còn là người hướng dẫn, tạo động lực sáng tạo.
![]() |
Học sinh Thủ đô tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Thanh Tùng |
Với cách hiểu “giáo dục” bao gồm cả “giáo” (dạy) và “dục” (chăm sóc, yêu thương), vị trí người giáo viên trở nên then chốt. Sự chuyển đổi mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục 2019 đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong nội dung, phương pháp, công cụ, không gian và thời gian giáo dục. Giáo dục mở và xã hội học tập đang trở thành xu thế tất yếu, nơi giáo viên là người tổ chức, kết nối và truyền cảm hứng học tập suốt đời-tinh thần đã có từ lâu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phát triển toàn diện con người
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển toàn diện con người là một tư tưởng lớn, mang giá trị nhân văn sâu sắc và ý nghĩa thời đại. Người từng làm thầy giáo, từ thầy Nguyễn Tất Thành ở Dục Thanh đến thầy Vương ở Quảng Châu, Bác Hồ đã sớm khẳng định vai trò then chốt của giáo dục: "Học chữ để làm người cách mạng”, hướng tới mục tiêu xây dựng “một nền giáo dục vì con người, cho con người”.
Trong “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, Bác đã nhấn mạnh: “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, đây chính là nền tảng tư tưởng để hình thành một nền giáo dục dân chủ, khai phóng, tiến bộ. Trên cơ sở ấy, Luật Giáo dục 2019 đã kế thừa và cụ thể hóa tinh thần đó: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp”.
Mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện con người là sự thay đổi căn bản, đặt con người làm trung tâm, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và sáng tạo cá nhân. Giáo dục không chỉ giới hạn trong nhà trường mà phải tạo điều kiện để mỗi người được tự học, tự phát triển. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, mô hình giáo dục mở ra đời. Đó là giáo dục vì con người, cho con người, coi trọng tự do cá nhân và thực tiễn. Giáo dục mở phá vỡ khuôn khổ truyền thống, người dạy không chỉ là giáo viên, người học không cùng độ tuổi, học liệu không chỉ là sách giáo khoa, lớp học không bị ràng buộc bởi không gian hay thời gian. Quan niệm giáo dục cần thay đổi theo hướng nhân văn và khai phóng, đúng như di sản tiến bộ mà Bác Hồ để lại cho thế hệ hôm nay.
Giáo dục là phục vụ Tổ quốc và nhân dân
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, xác định rõ mục tiêu của nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân, “học để làm việc, để làm người, làm cán bộ”; “việc học lấy tự học làm cốt”. Đây là những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã giúp chúng ta tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn đến phương pháp luận giải quyết vấn đề.
Quan niệm mới về mục tiêu phát triển toàn diện con người góp phần khắc phục những hạn chế trong giáo dục hiện nay như bệnh thành tích, chạy theo bằng cấp, tư duy bao cấp làm giảm hiệu quả đầu tư xã hội. Trường học cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, coi trọng phẩm chất và tinh thần trách nhiệm, với định hướng học để làm người, để làm việc. Đây cũng là tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên trong bối cảnh mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh “việc học lấy tự học làm cốt” cần được thấm nhuần trong chương trình giáo dục, kết hợp cùng 4 trụ cột của UNESCO: Học để biết, để làm, để tồn tại và để chung sống. Giáo dục phổ thông cần phổ cập nền tảng, giáo dục đại học hướng đến tinh hoa và đổi mới sáng tạo. Để tránh tình trạng học vì bằng cấp, cần thay đổi cách nghĩ, cách dạy, cách đánh giá, đặc biệt là tư duy quản lý giáo dục.
Theo tấm gương Bác Hồ, từ ý chí và nỗ lực tự học trong suốt cuộc đời của Người đều thấm sâu quan điểm học tập tiến bộ: “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ”. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chương trình làm việc của Thủ tướng với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6-5-2021 nhấn mạnh yêu cầu: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Học tập suốt đời” đã nhấn mạnh quan điểm: “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội... Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Trong bối cảnh giáo dục đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng và hội nhập quốc tế, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” càng trở nên sâu sắc và có ý nghĩa lớn. Đây là nền tảng mang giá trị văn hóa cao đẹp, nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc vun trồng, nuôi dưỡng nhân cách, bao gồm cả phẩm chất và năng lực, chính là mục tiêu cao nhất mà giáo dục hướng tới. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện mục tiêu này vẫn đang gặp không ít thách thức cả trong nhận thức lẫn hành động.
Với quyết tâm đổi mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra các chiến lược quan trọng: Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31-12-2024 phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những định hướng chiến lược quan trọng về phát triển nguồn lực quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là sự kết tinh giữa tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện khát vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp. Như Nelson Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!