Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Xóa trắng thôn, bản chưa có băng rộng di động

Hiện thực hóa mục tiêu xóa trắng thôn, bản chưa có sóng băng rộng di động vào năm 2023, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, khắc phục tình trạng “lõm sóng” ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhằm phục vụ thông tin liên lạc, nâng cao đời sống của nhân dân, phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Còn nhiều vùng “lõm sóng”

           

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.628 trạm thu phát sóng thông tin di động, trong đó có 1.326 trạm 2G, 1.178 trạm 3G và 1.124 trạm 4G. Tuy nhiên, hạ tầng này mới chỉ đáp ứng cung cấp dịch vụ tại các khu vực trung tâm bản, khu vực tập trung dân cư, chưa phủ sóng cho 100% bản, một số khu vực bị che khuất, dân cư thưa thớt không có sóng hoặc chất lượng phủ sóng kém. Với hạ tầng hiện tại đã đảm bảo cung cấp dịch vụ băng rộng di động tại 2.300/2.509 tổ, bản; toàn tỉnh hiện còn 209 tổ bản “trắng” sóng băng rộng di động.

           

Công nhân VNPT Sơn La kiểm tra thiết bị hòa mạng phát sóng tại khu vực Thuận Châu - Quỳnh Nhai.

           

Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, cho biết: Xã còn 7/19 bản chưa có sóng điện thoại, muốn liên lạc với cán bộ bản ở đây rất khó khăn. Mặc dù đã có điện, sóng truyền hình về tới xã, bản, tuy nhiên, sóng di động chập chờn khiến người dân không cập nhật được thông tin kinh tế, xã hội. Chúng tôi thấy lạc hậu hơn nhiều so với các vùng được phủ sóng di động, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn cao.  

           

É Tòng là một trong 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, đến trung tâm xã phải gọi 4 - 5 lần mới có thể gọi điện liên hệ với ông Lò Văn Chân, Chủ tịch UBND xã. Ông Chân chia sẻ: Trên này chỉ có sóng Viettel thôi, tuy nhiên, sóng chập chờn lắm, chỉ có dọc tuyến đường trục xã là sóng ổn định, còn ở các bản sóng yếu và chập chờn; người dân muốn gọi điện thoại rất khó khăn, có việc quan trọng phải đi đến tận nơi để thông tin, mỗi khi bản hay xã có việc, thì bí thư, trưởng bản cũng phải cất công đi đến từng nhà để thông báo. Hoặc nếu có việc đột xuất thì cũng không thể xử lý nhanh chóng, kịp thời.

           

Cô giáo Lèo Thị Nga, giáo viên điểm trường bản Pha Thóng, thuộc Trường mầm non Sơn Ca, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, cho biết: Do điểm trường nằm ở vùng trũng, khuất núi, sóng di động yếu làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc trao đổi thông tin, cũng như việc liên lạc với gia đình học sinh. Để trao đổi, nắm bắt chỉ đạo từ Ban Giám hiệu, 2 lần/tuần chúng tôi phải đi lên khu vực đồi cao mới “hứng” được sóng và phải giữ điện thoại ở cố định vị trí bắt được sóng để không mất kết nối giữa chừng. Vì vậy, chúng tôi phải đánh dấu cố định vị trí bắt được sóng để không mất thời gian dò tìm lần sau.

           

Công nhân Viettel Sơn La đang đổ trụ cột sóng. 

           

Theo khảo sát của các nhà mạng, đa số bản “trắng” sóng, các khu vực “lõm” sóng trên địa bàn tỉnh hiện đều là những nơi khó khăn, có địa hình phức tạp, điều kiện hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, mật độ dân cư thấp; nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet không lớn nên doanh thu tại các khu vực này rất thấp. Trong khi đó, chi phí đầu tư hạ tầng cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet khá cao (500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/trạm BTS tùy loại trạm; khoảng 500 triệu đồng/km tuyến truyền dẫn). Chính vì vậy, trong đầu tư mạng lưới xóa vùng “lõm” sóng, các doanh nghiệp cần rà soát, đánh giá hiện trạng và cân đối nguồn lực nhằm đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản còn gặp một số vướng mắc trong việc tham gia đầu tư hạ tầng viễn thông, internet.

           

Nhiều giải pháp để xóa bản "trắng" sóng

           

Để việc triển khai đồng nhất, hiện đại và kịp thời hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu vực “lõm” sóng, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng xác định vùng, khu vực còn trắng sóng băng rộng di động trên địa bàn tỉnh.

           

Sở TT và TT, doanh nghiệp viễn thông, Công ty điện lực Sơn La ký cam kết xóa trắng thôn, bản chưa có sóng băng rộng di động.

           

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thông tin: Trên cơ sở kết quả rà soát, phương án đề xuất của các doanh nghiệp viễn thông và các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản đề nghị, định hướng, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng, phát triển mạng lưới, xóa các vùng lõm sóng; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ điện thoại di động và truy nhập internet băng rộng di động. Gần đây nhất, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên đầu tư hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động tại 209 thôn, bản “trắng" sóng băng rộng di động trên địa bàn tỉnh.  

           

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Sơn La, cùng với đề xuất của các doanh nghiệp viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp viễn thông, Công ty điện Lực Sơn La thống nhất thực hiện xóa trắng thôn, bản chưa có sóng băng rộng di động.  

           

Công nhân kỹ thuật VNPT Sơn La kiểm tra trạm thu phát sóng khu vực Thành phố.            

Thiếu tá Lê Duy Dương, Giám đốc Viettel Sơn La, cho biết: Thực hiện cam kết thống nhất xóa trắng thôn, bản chưa có sóng băng rộng di động, hiện nay, Viettel Sơn La đã phủ sóng đến 100% các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, còn khoảng 100 vùng lõm cần phải xây và phát sóng tại các thôn, bản, do địa hình phức tạp, nhiều khu vực chưa có điện lưới, giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, địa bàn rộng, các trạm nằm ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn dẫn đến việc triển khai xây dựng trạm chậm. Năm 2022, Viettel Sơn La đã xây dựng kế hoạch phủ lõm, triển khai lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp dự kiến phát sóng trên 100 trạm, trong đó, có 70 trạm là viễn thông công ích. Lộ trình đến hết năm 2024 sẽ giải quyết trên 90% số vùng lõm, song song với đó là đảm bảo chất lượng sóng tại các khu vực đã có sóng nhưng chưa tốt.

Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 669/2.509 thôn, bản chưa có dịch vụ data di động 3G/4G Vinaphone. Ông Bùi Việt Hoàng, Giám đốc VNPT Sơn La, thông tin: Mục tiêu đến năm 2025, VNPT sẽ phủ sóng 4G đến 100% xã, bản; việc triển khai cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư rất lớn về việc triển khai lắp đặt. Để đạt mục tiêu đề ra, VNPT Sơn La thường xuyên đo kiểm chất lượng dịch vụ di động, rà soát điều chỉnh vùng phủ sóng đảm bảo tối ưu vùng phủ, giảm thiểu các khu vực thôn, bản "trắng" sóng. Thực hiện khảo sát xây dựng bổ sung các trạm phát sóng mới, xây dựng mở rộng các tuyến truyền dẫn cáp quang để đảm bảo truyền dẫn cho các trạm phát sóng di động và phát triển mạng băng rộng, đảm bảo đáp ứng phục vụ các thôn, bản "trắng sóng". Đến hết năm 2022, VNPT xẽ xây dựng bổ sung thêm 42 trạm thu phát sóng mới.

           

Công nhân kỹ thuật VNPT Sơn La lắp đặt cột sóng  tại bản Tân Tiến, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên.

           

Để hoàn thành xóa các bản chưa có băng rộng di động trên địa bàn tỉnh, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp cần đồng hành phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng; phấn đấu 123/209 bản được phủ sóng băng rộng di động trong năm 2022, còn 86 bản còn lại sẽ được triển khai trong năm 2023, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

    Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

    Kinh tế -
    Đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, chú trọng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh ngày càng gia tăng giá trị, phát triển theo hướng bền vững.
  • 'Thủy điện Huội Quảng vận hành, sản xuất điện an toàn

    Thủy điện Huội Quảng vận hành, sản xuất điện an toàn

    Kinh tế -
    Nhà máy Thủy điện Huội Quảng, xã Chiềng Lao, là một trong 3 công trình thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh, gồm 2 tổ máy, tổng công suất 520MW, do Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát (thuộc tỉnh Lai Châu) quản lý. Những năm qua, Công ty chú trọng vận hành nhà máy ổn định, đảm bảo cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
  • 'Thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ

    Thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ

    Cải cách hành chính -
    Sau 3 tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn xã Vân Hồ đã mang lại những chuyển biến tích cực, nhất là tư duy hoạt động từ quản lý sang phục vụ, đổi mới trong cải cách hành chính, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
  • 'Xây dựng nền hành chính hiện đại

    Xây dựng nền hành chính hiện đại

    Cải cách hành chính -
    Tân Phong là xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã: Bắc Phong, Tân Phong và Nam Phong. Ngay khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình mới, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tân Phong đã vận hành thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính.
  • 'Hướng tới xã hội học tập

    Hướng tới xã hội học tập

    Khoa Giáo -
    Hướng tới xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả các mô hình học tập gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
  • 'Chăm sóc sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở

    Chăm sóc sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở

    Sức khỏe -
    Cùng với việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, Trung tâm Y tế khu vực Sơn La không ngừng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, chú trọng cải tiến quy trình thủ tục khám, chữa bệnh, giúp nhân dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
  • 'Mang lại cuộc sống bình yên nơi biên giới

    Mang lại cuộc sống bình yên nơi biên giới

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, Công an xã Chiềng Sơn bám sát địa bàn, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
  • 'Ứng phó với biến động giá xăng, dầu

    Ứng phó với biến động giá xăng, dầu

    Xã hội -
    Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu biến động lên, xuống nhiều lần. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La, giá xăng RON95-V là 20.850 đồng/lít, xăng RON95-III là 20.490 đồng/lít, dầu Diesel 0,001S-V là 19.430 đồng/lít. So với thời điểm đầu năm, giá các mặt hàng xăng, dầu đều tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các đơn vị vận tải.
  • 'Giữ vững danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh

    Giữ vững danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh

    Xây dựng Đảng -
    Chi bộ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nam Thành trực thuộc Đảng ủy phường Tô Hiệu, có 18 đảng viên, sinh hoạt tại tổ đảng Văn phòng Công ty và tổ đảng Trường Mầm non Ngôi Sao Sơn La. Trong những năm qua, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo đơn vị nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và tích cực tham gia an sinh xã hội...