Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Kinh tế số là một trong trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Giọng nữ
Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức chương trình Livestream quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Sơn La.

Thương mại điện tử (TMĐT) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế số. Thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông hỗ trợ cho phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh như: Mạng viễn thông di động, Internet 3G, 4G rộng khắp trên toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hằng năm, Sở phối hợp tổ chức 4-5 lớp tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, đoàn viên thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh về TMĐT. Qua tập huấn, giúp hộ gia đình, HTX, hộ kinh doanh tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT. Doanh thu từ hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua TMĐT, nền tảng mạng xã hội, trong giai đoạn 2021-2024 tăng trung bình từ 8 - 8,5 %/năm và chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh.

Ngoài ra, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho trên 30 doanh nghiệp, HTX xây dựng website thương mại điện tử, phần mềm quản lý khách hàng, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn, đặc biệt, trên các nền tảng, như: Shopee, Lazada, Tiki, và Tik tok Shop... Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của tỉnh, nhất là các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn như: Nhãn, xoài, mận, cà phê...với các tỉnh thành trong nước và các đối tác nước ngoài.

Các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đã ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử cho mục đích kinh doanh, mua sắm, trao đổi thông tin tìm kiếm thị trường. Một số doanh nghiệp, HTX đã ứng dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ cung cấp điện, nước, viễn thông đã sử dụng phương thức thanh toán chuyển khoản (không dùng tiền mặt). Tại một số chợ trung tâm Thành phố và các huyện, các chợ truyền thống, việc thanh toán chuyển khoản diễn ra khá phổ biến.

Nhiều sản phẩm của các HTX, hộ kinh doanh Sơn La có mặt trên sàn thương mại điện tử buudien.vn

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: Thành phố đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, các tập đoàn viễn thông, bưu điện tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử…

Đến nay, trên địa bàn Thành phố, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 98% doanh nghiệp triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile; hơn 750 hộ kinh doanh tham gia mô hình chợ thông minh, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; trên 50 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của Thành phố được bán trên sàn thương mại điện tử buudien.vn...

Hộ kinh doanh Hà Bích Diệp, tổ 12, phường Chiềng Lề thành phố Sơn La với sản phẩm đặc trưng là thịt héo và lạp xưởng đã nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Năm 2024, hộ được công nhận sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu.

Chị Hà Bích Diệp, chủ hộ kinh doanh, chia sẻ: Trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm, chúng tôi được Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh và Thành phố hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; in nhãn mác, truy xuất nguồn đốc và quảng bá trên sàn thương mại điện tử PostMart. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, sản phẩm của chúng tôi không chỉ được biết đến ở địa phương mà còn được quảng bá trên toàn quốc, khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng.

Bức tranh kinh tế số ngày càng sôi động hơn khi các doanh nghiệp, HTX du lịch cũng bắt nhịp chuyển đổi số. Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả như: Hệ thống điều hành du lịch, phần mềm quản lý cơ sở lưu trú, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống đặt dịch vụ du lịch, thanh toán trực tuyến, gắn mã QR tại các điểm di tích lịch sử...

Các hộ kinh doanh, người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Được biết đến là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, những năm gần đây, HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, huyện Mường La, đã tăng cường quảng bá du lịch của xã trên các nền tảng mạng xã hội. Ông Lường Văn Xiên, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, chia sẻ: Để quảng bá du lịch địa phương, chúng tôi đã khuyến khích các cơ sở lưu trú và nhân dân tăng cường quảng bá các điểm du lịch, hình ảnh đẹp về xã lên mạng xã hội. Đây là công cụ mạnh mẽ giúp chúng tôi tiếp cận khách du lịch một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhờ đó, lượng du khách biết và đến trải nghiệm tại Ngọc Chiến ngày càng tăng lên.

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế số tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường ứng dụng dịch vụ số, chữ ký số, rà soát, tích hợp chữ ký số để tích hợp các kênh thanh toán (QR code, Mobile Money, Thẻ, Ví điện tử,...), triển khai Mobile, Money tại những vùng khó khăn, vùng công ích. Nghiên cứu, khai thác sử dụng cổng đo lường kinh tế số cho các địa phương tại địa chỉ http://kinhteso.ptit.edu.vn/ để cung cấp thêm góc nhìn toàn diện hơn về kinh tế số, nhận diện thời cơ và các nỗ lực của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua và dự báo tương lai. Triển khai các nền tảng đào tạo mở trực tuyến đại trà MOOCs; ưu tiên ứng dụng giải pháp công nghệ IoT vào quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, quản lý các hạ tầng thiết yếu như điện, nước, giao thông, đô thị thông minh...

Bài, ảnh: Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới