Số hóa đối tượng an sinh xã hội và chi trả trợ cấp

Toàn tỉnh có 760.070 người lao động từ 15 tuổi trở lên; 43.254 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, 35.654 người có công với cách mạng, 382.714 trẻ em dưới 16 tuổi. Thực hiện chuyển đổi số cho các nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực ngành quản lý, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số để hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, điều hành, xây dựng và phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số theo lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.

Giọng nữ
Cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhập dữ liệu người có công trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bám sát nhiệm vụ được giao, Sở đã tham mưu cho UBND chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số cho các nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực ngành quản lý; trong đó, tập trung vào hai nhóm chính, là: Nhóm tạo cơ sở dữ liệu an sinh xã hội và nhóm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành hệ thống phần mềm tra cứu hồ sơ trực tuyến người có công; cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động; cơ sở dữ liệu tài chính, trợ cấp ưu đãi người có công... và thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thực hiện việc tạo cơ sở dữ liệu nhóm đối tượng an sinh xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch “Chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em, đối tượng bảo trợ thực hiện Đề án 06” trên địa bàn tỉnh; kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn về chuyển danh sách đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng cho UBND cấp xã thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tính đến ngày 11/3/2024 đã làm sạch dữ liệu 261.717 trẻ em, thực hiện rà soát 41.568 đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, 3.838 đối tượng người có công. Đối với dữ liệu người lao động, đến nay đã thu thập dữ liệu về người lao động được 489.816 người, cập nhập lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 335.854 người.

Hiện nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với sở, ngành có liên quan hướng dẫn các huyện, thành phố tiếp tục việc rà soát, thu thập, cập nhật thông tin các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý của ngành góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành quản lý là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác. Thực hiện số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tuyên truyền, vận động các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng mở tài khoản và nhận tiền trợ cấp hằng tháng qua tài khoản. Đến 6/3/2024, toàn tỉnh thực hiện mở tài khoản được 13.958/43.809 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng; thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản cho 7.900/43.809 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Tại huyện Mộc Châu, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công đáp ứng được yêu cầu của Ðề án 06. Ông Vì Văn Tuấn, thị trấn Mộc Châu, là người khuyết tật cao tuổi đều được nhận trợ cấp qua tài khoản với số tiền 900 nghìn đồng, ông Tuấn chia sẻ: Từ khi tôi được mở tài khoản để nhận tiền chi trả trợ cấp an sinh xã hội tôi thấy rất tiện lợi, nhất là với những người khuyết tật, không mất công, chi phí đi lại, cứ đến ngày, đến tháng là tôi được nhận đủ số tiền trợ cấp của mình.

Với kế hoạch, chương trình cụ thể về chuyển đổi số, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung khai thác công nghệ số, làm thay đổi tư duy, nhận thức, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, cải thiện dịch vụ công. Hiện nay, đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, đối chiếu bổ sung các đối tượng còn thiếu, thông tin chưa đầy đủ đảm bảo chính xác, đầy đủ vào phần mềm để chuẩn hóa dữ liệu và cập nhật đồng bộ sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định, đáp ứng yêu cầu chính quyền điện tử, bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.

Bài, ảnh: Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới