Tại Việt Nam, 97% số doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, đem lại việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động. Đây chính là lực lượng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Những kết quả bước đầu
Sự phát triển của hàng loạt công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật (IoT),... thường được nhắc đến như cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng tiếp cận, thấu hiểu khách hàng và mở rộng thị trường cũng như tạo ra bước tăng trưởng đột phá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội này dường như vẫn “ở đâu đó” trong góc nhìn của đại bộ phận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa truyền thống.
Để bán được nhiều hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp chỉ biết chạy đua giảm giá hay chạy quảng cáo. Trong bối cảnh ngày càng nhiều khó khăn như giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng cao, hàng nước ngoài tràn vào và cạnh tranh gay gắt với hàng nội địa,... khiến không ít doanh nghiệp đang phải chật vật để tồn tại.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung quy mô nhỏ, hàm lượng kỹ thuật yếu, sản phẩm bán ở mức thấp trong chuỗi giá trị, thiếu sức ảnh hưởng về thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017 đã đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ về công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, Luật cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia liên kết ngành và chuỗi giá trị để tăng năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó xác định nền móng để phát triển kinh tế số là chuyển đổi số các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số. Điểm đột phá là đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng mạng lưới hơn 100 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp; đồng thời, triển khai đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số tại 40 tỉnh, thành phố cho hơn 10 nghìn doanh nghiệp. Hơn 500 nghìn lượt doanh nghiệp đã được tiếp cận với các tài liệu, video đào tạo, chia sẻ hướng dẫn chuyển đổi số. Đáng chú ý, 150 doanh nghiệp đã được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trực tiếp hỗ trợ tư vấn, đào tạo chuyên sâu để trở thành các doanh nghiệp tiêu biểu về chuyển đổi số thành công.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) và lựa chọn, công bố 20 nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp xuất sắc tham gia chương trình. Tính đến hết tháng 9/2023, đã có khoảng 161 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng chương trình SMEdx. Ngoài ra, Bộ Công thương đã triển khai Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.ceca.gov.vn) với 5 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; phối hợp với Bộ Công an ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử để định danh, xác thực điện tử trong ký kết hợp đồng điện tử phục vụ thương mại điện tử.
Nhiều định hướng mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông huớng dẫn các bộ, ngành, địa phương chọn lựa nền tảng số xuất sắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua đấu thầu các gói hỗ trợ; xây dựng, hoàn thiện và thống nhất sử dụng chung bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tổ chức và triển khai đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng chuyển đổi số cho lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp theo các chương trình.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc phát triển các nền tảng số quốc gia đối với sàn thương mại điện tử; tiếp tục triển khai các nền tảng số thúc đẩy phát triển hợp đồng điện tử, hỗ trợ logistics, quản lý lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh xuất nhập khẩu thông qua các nền tảng số. Bộ lên kế hoạch xây dựng các chỉ tiêu thống kê và tổ chức khảo sát định kỳ đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp về chuyển đổi số sang mô hình nhà máy thông minh.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn cho biết, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả các nền tảng số tham gia Chương trình SMEdx; đồng thời, tìm kiếm, giới thiệu và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về các mô hình chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa để nhân rộng lan tỏa trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lên kế hoạch xây dựng 10 nhóm nền tảng số phát triển 5 nhóm ngành, lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp, logistics và dệt may.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025, trong đó chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa là một phần quan trọng của kinh tế số.
Sau khi kế hoạch hành động này được ban hành, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm tối thiểu tỷ trọng 50% của kinh tế số cả nước vào năm 2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!