“Đi khám bệnh quên mang thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chỉ cần điện thoại có cài đặt ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VISSID) người dân vẫn được khám bệnh và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm, là lợi ích rõ ràng nhất mà người dân nhận thấy khi thực hiện chuyển đổi số” đó là chia sẻ của chị Mè Thị Tình, Tổ trưởng tổ chuyển đổi số xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu.

Ảnh: Diệp Hương (CTV)
Xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu có 1.070 hộ, với 4.615 nhân khẩu. Thực hiện chủ trương thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng, xã đã giao Bí thư chi đoàn xã làm tổ trưởng. Chị Mè Thị Tình cho biết thêm: Năm 2023 là năm thứ hai triển khai chuyển đổi số đến với người dân ở Sặp Vạt. Với lợi thế cán bộ trẻ, năng động, cập nhật các thông tin ứng dụng công nghệ nhanh, các thành viên tổ chuyển đổi số các bản đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên thiết bị thông minh phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Trước đây, người dân phải đóng tiền điện trực tiếp qua nhân viên thu ngân của điện lực, thì bây giờ có thể đóng qua điện thoại; tra cứu điểm học, điểm thi của con cháu; đặt lịch khám bệnh trực tuyến, đăng ký sổ sức khỏe điện tử.
Anh Lê Đại Phong, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ chuyển đổi số bản Kim Sơn 1, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chia sẻ: Trước đây, muốn thông báo nội dung gì của bản, tôi phải đến từng gia đình để báo người dân đi họp. Ứng dụng chuyển đổi số, tôi thành lập nhóm zalo gồm 128 thành viên là đại diện các hộ trong bản. Bây giờ, muốn thông tin gì, chỉ cần nhắn qua zalo; hướng dẫn bà con cài đặt và sử dụng VnID, bảo hiểm xã hội điện tử VSSID cũng qua zalo, rất thuận lợi.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 8.966 thành viên, trong đó 204 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, 1.255 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp bản. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị trực tuyến đến 204 xã, phường, thị trấn để bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ chuyển đổi số cộng đồng, hỗ trợ người dân, hợp tác xã nông nghiệp về ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tham gia các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thực hiện chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho bà con thấy việc sử dụng công nghệ số là thiết thực. Do đó, vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng là đưa người dân đến gần hơn với chính quyền số.
Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã xác định một trong các nhiệm vụ phát triển xã hội số là đẩy mạnh giao tiếp xã hội thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng, ưu tiên các dịch vụ, như: Tư vấn pháp lý, giáo dục, y tế, hành chính công, văn hóa, du lịch; tăng cường hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để tham gia hoạt động quảng bá, mua bán trên môi trường mạng... Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số để cung cấp các dịch vụ nền tảng số qua nhiều kênh giao tiếp, giúp nhân dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thông minh về y tế, giáo dục, giao thông, thông tin bất động sản, việc làm, các sàn thương mại điện tử và các tiện ích kinh tế chia sẻ, nâng cao chất lượng phục vụ và mang lại sự hài lòng cho nhân dân thông qua chuyển đổi số.
Nắm bắt cơ hội, xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu của xã hội, tỉnh ta đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, giúp người dân tiếp cận gần hơn với công nghệ số bắt đầu từ tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!