Thực hiện đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng Công ty Điện lực Sơn La đã tập trung thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cấp đủ điện, liên tục, ổn định, với chất lượng ngày càng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của Công ty đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Công ty Điện lực Sơn La đang thực hiện bán điện cho hơn 337 nghìn khách hàng, sản lượng điện thương phẩm năm 2022 trên 722 triệu kWh, tăng 7,16% so với năm 2021. Với mục tiêu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ để giảm tối đa chi phí, Công ty đã triển khai đồng bộ từ công tác kỹ thuật, tài chính kế toán, đến kinh doanh dịch vụ khách hàng, từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để thực hiện chuyển đổi số theo đúng kế hoạch, lộ trình, Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành các phần mềm quản lý, ứng dụng dùng chung. Trong đó, phần mềm số hóa công tác quản lý kỹ thuật lưới điện hạ thế, được áp dụng tại các đơn vị trong Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Đến nay, Công ty Điện lực Sơn La đã cơ bản thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu về khách hàng, cán bộ CNV; dữ liệu lưới điện 110 kV, lưới điện trung áp; dữ liệu liên quan tới các công trình đầu tư xây dựng, thiết bị đo đếm... Ngoài ra, 100% hồ sơ tài liệu, văn bản đến và đi, hợp đồng với khách hàng đều được số hóa. Các dữ liệu sau khi số hóa được chuẩn hóa, làm sạch, đảm bảo tính chính xác và thống nhất, từ đó xây dựng các báo cáo khai thác, đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát, vận hành và quản trị của Công ty. Song song với quá trình số hóa dữ liệu, Công ty đã tiến hành số hóa các quy trình nội bộ trong các lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, tài chính - kế toán, kỹ thuật - an toàn, thông qua việc xây dựng chương trình số hóa theo quy trình của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc.
Trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, các quy trình lập, ký, luân chuyển hồ sơ thanh toán tiền mua điện trước đây lưu trữ trên giấy và thanh toán thủ công, nay đã được thực hiện trên môi trường số. Các hợp đồng mua bán điện, dữ liệu đo xa tại 3.280/3.423 trạm biến áp phân phối và chuyên dùng được số hóa; lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu đo xa đối với hơn 204.000 công tơ điện tử, đạt tỷ lệ gần 98,8%. Đồng thời, áp dụng các công nghệ mới thực hiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ điện, tiện ích nhắn tin trên website của Công ty.
Trong quản lý kỹ thuật, đã chuyển đổi vận hành 6 trạm biến áp 110kV từ mô hình có người trực sang mô hình trạm không người trực. Mọi thao tác trong quá trình vận hành đều được điều khiển từ xa, giảm đáng kể chi phí vận hành, nâng cao độ tin cậy, giám sát online 24/24 đối với tất cả các thiết bị tại trạm. Ông Phạm Tân Tiến, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế, thông tin: Đơn vị đã ứng dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm quản lý kỹ thuật, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động, nhất là trong công tác sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lưới điện cao thế được thực hiện dựa trên việc phân tích nhật ký vận hành, thu thập dữ liệu tình trạng thiết bị, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây ra sự cố để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mạch vòng tự động hóa lưới điện 22kV tại thành phố Sơn La được vận hành tự động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tự động khoanh vùng chính xác khu vực có sự cố một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu giám sát hệ thống SCADA đến điện lực các huyện đã nâng cao năng lực vận hành chung của hệ thống, ở tất các các đơn vị đều có thể đồng thời nhận biết sự cố hoặc những thay đổi trên lưới điện, từ đó có thể phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Ông Phạm Văn Thái, Giám đốc Điện lực Mộc Châu, cho biết: Thực hiện chương trình chuyển đổi số đã giúp đơn vị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành và sửa chữa hệ thống lưới điện. Trong đó, tập trung vào các chỉ tiêu về tổn thất điện năng và giảm xuất sự cố hệ thống lưới điện; tính toán phương thức vận hành hợp lý, cân đối phụ tải đảm bảo lưới điện vận hành an toàn.
Chương trình chuyển đổi số được coi là chìa khóa giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực quản trị doanh nghiệp, bắt kịp xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Năm 2023 và những năm tiếp theo, Công ty Điện lực Sơn La tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên cơ sở hướng tới lợi ích khách hàng và người lao động. Khuyến khích cán bộ CNV tích cực đổi mới sáng tạo, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!