Những năm gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...
Làm theo cách mới
Đầu tháng 11/2022, gia đình anh Nguyễn Đình Huy, bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau, quả ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, dù đang ở chỗ nào, anh cũng có thể kiểm tra được hoạt động trong vườn, điều khiển tưới nước, thời gian tưới, cập nhật dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây để có hướng chăm sóc hợp lý... Anh Huy cho biết: Với vườn dâu tây hơn 1 ha, ngày trước tôi cần tới 3 giờ pha phân bón để tưới; bây giờ chỉ cần 30 phút đã thực hiện xong. Ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh và sản xuất giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức.

HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn được xem là đơn vị tiên phong chuyển đổi số. Trước đây, thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên HTX thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất thủ công trên giấy, không thuận lợi trong việc lưu trữ nhật ký sản xuất, khi có lô hàng xuất khẩu lại mất nhiều thời gian để tìm kiếm nhật ký ghi chép sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Những vấn đề đó đã được giải quyết bằng cổng thông tin egap.vn, chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet. Chúng tôi dễ dàng cập nhật lịch sử canh tác, quản lý tốt hoạt động sản xuất và công khai minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, nhật ký sản xuất đối với người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và quảng bá hiệu quả, tạo uy tín trên thị trường. Qua cổng thông tin egap, HTX đã kết nối mở rộng đối tác khách hàng cung cấp sản phẩm thanh long ruột đỏ cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart+, xuất khẩu các đơn hàng sang thị trường nước ngoài.

Mô hình trồng rau, quả ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tại xã Mường Sang, Mộc Châu.
Cùng theo ông Vinh, khi quả đến kỳ thu hoạch, ngoài gửi sản phẩm mẫu về chào hàng, hình ảnh của sản phẩm cũng được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Bên mua chỉ cần check mã vạch, các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, thời gian chăm sóc, thu hoạch, địa điểm của người sản xuất sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, HTX xuất khẩu được trên 500 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Italy và bán hàng nghìn tấn tại thị trường nội địa.
Kết nối người bán và người mua
Vài năm gần đây, tận dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, một số HTX, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm hiệu quả. Câu chuyện của chị Hoàng Khánh Linh và những người nông dân trồng dâu tây xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn là một ví dụ. Chị Linh, chia sẻ: Khi mạng xã hội phát triển, nhu cầu mua, bán qua mạng ngày càng tăng, tận dụng ưu điểm của các trang mạng và nắm bắt nhu cầu của người mua, nhiều người trồng dâu tây đã sử dụng mạng xã hội để kinh doanh. Từ quả dâu tươi, cây giống, cây dâu cảnh, đến các sản phẩm sau chế biến như dâu tây phơi khô, siro dâu tây, rượu dâu tây, sữa chua dâu tây... cũng được tiếp thị và quảng bá rộng rãi.
Hiểu được tâm lý “Trăm nghe không bằng một thấy” và chuộng sản phẩm nhà trồng của khách hàng, chị Hà Thị Chình, bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu đã dùng ứng dụng phát trực tiếp trên mạng xã hội để truyền tải các đoạn hình ảnh: Tự tay chăm sóc, thu hái vườn cây ăn quả; hình ảnh thưởng thức các loại trái cây ngay tại vườn... Từ những clip này, ban đầu, nhiều người chỉ đặt một ít để ăn, sau đó giới thiệu bạn bè cùng mua và có khách hàng các tỉnh khác đã trở thành “đại lý”, sản lượng tiêu thụ ngày một tăng. Có những ngày lượng đơn đặt hàng lớn, vườn nhà không cung cấp đủ, chị Chình lại đi thu mua của các hộ khác trong khu vực để bán.

Điều khiển hệ thống châm phân tự động.
Chuyện bán nông sản qua mạng xã hội hay trên kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến ở Sơn La. Chỉ cần gõ cụm từ hoa quả hay nông sản Sơn La trên các trang mua sắm trực tuyến như Shopee hay Vietpostmart, Voso... người tiêu dùng đã có thể đặt và thưởng thức các sản phẩm nông sản chất lượng của Sơn La. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhận định: Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp với điều kiện của tỉnh Sơn La. Chỉ cần có 1 chiếc điện thoại thông minh và tài khoản facebook là nông dân có thể livestream trong các nhóm phù hợp. Bán hàng trên facebook rất thuận tiện bởi sản phẩm chỉ cần chất lượng ổn định và lòng tin của người mua hàng.
Ngoài kênh bán hàng trên trang facebook, UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn thương mại điện tử Shopee, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Các nhân viên bưu điện sẽ hướng dẫn, đào tạo bà con trở thành một chủ doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng và biết kinh doanh online thực thụ.
Hiện, các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông của tỉnh đã phối hợp hỗ trợ đưa trên 400 sản phẩm của trên 12.700 hộ dân, trên 100 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất giới thiệu, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai xây dựng “Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La”, đã nhập đầy đủ thông tin cho 72 HTX, doanh nghiệp và 109 sản phẩm; các sản phẩm đưa lên hệ thống, đảm bảo tính chính xác và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 8.966 thành viên; trong đó, có 204 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã; 1.255 tổ chuyển đổi số cộng đồng tổ, bản, tiểu khu với nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên có trách nhiệm hỗ trợ người dân trên địa bàn sử dụng, ứng dụng các nền tảng số.
Nỗ lực trong hành trình tiên phong
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đích đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là người dân. Có nghĩa là người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số. Nhưng nếu để nông dân tự “bơi” hay phải “dò đường” trong chuyển đổi số thì rất khó thành công mà cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, Sở Nông nghiệp và PTNT đã vận động người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá nông nghiệp thông minh 4.0. Đẩy mạnh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị nhằm phát triển các cụm liên kết sản xuất, trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ tại địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất.
Chuyển đổi số là quá trình khó khăn, thách thức, nhưng “không đi không thể đến đích". Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, HTX phải là đầu tầu trong chuyển đổi số để cùng người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững.

Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!