Chuyển đổi số - chìa khóa để du lịch Sơn La bứt phá

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là yêu cầu tất yếu, vừa nâng cao trải nghiệm cho du khách, vừa tối ưu hóa quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững. Chuyển đổi số đã quảng bá hình ảnh Sơn La, giúp du khách trong và ngoài nước tiếp cận được gần hơn, nhanh hơn, chính xác hơn với các dịch vụ du lịch trên địa bàn, tạo cơ hội cho du lịch bứt phá,

Giọng nữ
Khu du lịch Mộc Châu Island, thị xã Mộc Châu.

Mộc Châu là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số du lịch của tỉnh. Từ năm 2019, bị ảnh hưởng bởi Covid-19, du lịch Mộc Châu đã nhanh chóng làm mới mình để bắt kịp xu thế tất yếu với việc xây dựng mô hình du lịch thông minh trên cơ sở nền tảng có sẵn là trang website của thị xã Mộc Châu tại địa chỉ mocchau.sonla.gov.vn.

Các đơn vị, cơ sở du lịch, dịch vụ ở Mộc Châu đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đặc sắc của mình qua mạng xã hội, môi trường số. Đặc biệt, tháng 6/2022, Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 Mộc Châu được đưa vào sử dụng tại địa chỉ 3dmocchau.com đã góp phần quảng bá hình ảnh Mộc Châu, giúp khách du lịch tiếp cận được gần hơn, nhanh hơn, chính xác hơn với các dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Du khách trải nghiệm bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 Mộc Châu.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu, thông tin: Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 Mộc Châu mô tả chi tiết toàn cảnh 14 địa điểm du lịch hấp dẫn với hơn 75 hình ảnh 3D, tích hợp các thông tin giới thiệu; cho phép du khách tham quan các khu du lịch, di tích lịch sử hay các địa điểm du lịch theo hình thức thực tế ảo; trải nghiệm tổng thể bản đồ du lịch thị xã Mộc Châu và có thể trực tiếp chọn các điểm du lịch theo mong muốn. Tại đây, du khách còn được trải nghiệm cảm giác đứng trong không gian ảo là các điểm du lịch được tái hiện bằng công nghệ 3D hiện đại, được nghe thông tin giới thiệu về địa điểm du lịch.

Biết đến Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 Mộc Châu, anh Nguyễn Minh Hoàng, Thành phố Hà Nội đã tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng và lựa chọn các địa điểm đến thăm cho cả gia đình trước khi đến Mộc Châu. Anh Hoàng chia sẻ: Bản đồ cung cấp tất cả các thông tin về dịch vụ du lịch về địa điểm vui chơi, ăn uống, mua sắm. Cùng với đó, còn tích hợp các chức năng tiện ích, như: Xây dựng lộ trình tour tuyến, bản đồ, nhà hàng, khách sạn, ứng dụng đặt phòng, đặt bàn, hướng dẫn lộ trình, địa điểm… giúp tôi dễ dàng liên hệ trực tiếp với chủ cơ sở mà không tốn kém chi phí.

Hội thảo chuyển đổi số trong quản lý du lịch, quản lý cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Sơn La.  Ảnh: PV

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thông tin, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số trong du lịch.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đã kịp thời và đổi mới hình thức cung cấp thông tin du lịch thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử, mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, tiktok… tạo được nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Các website cũng được tích hợp nhiều tính năng tiện ích, đa dạng hỗ trợ các hoạt động du lịch, như: Bản đồ du lịch điện tử, chức năng Booking, Online, thanh toán trực tuyến, tư vấn, chăm sóc khách hàng trực tuyến,… khách du lịch có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin, điểm đến, khách sạn những địa điểm chơi, thăm quan, ăn nghỉ tại Sơn La.

Du khách tương tác với tiện tích ứng dụng số của Khu du lịch Mộc Châu Island.

Anh Hoàng Mạnh Duy, Phó giám đốc Khu du lịch Mộc Châu Island, thông tin: Mỗi khách hàng đến với Mộc Châu Island đều được chúng tôi chăm sóc theo giai đoạn, từ trước khi đến, trong khi sử dụng dịch vụ và sau đó. Từ đó chúng tôi có nhận định tốt hơn về các khách hàng tiềm năng cũng như các đối tượng khách hàng đến với khu du lịch. Bên cạnh đó, việc sử dụng hòm thư góp ý trên các phương tiện, nền tảng số cũng là cơ hội để khách hàng phản ánh kịp thời các dịch vụ và chúng tôi có những thay đổi phù hợp hơn.

Nhiều khu, điểm đến du lịch, các khách sạn, nhà hàng, homestay với sự hỗ trợ, định hướng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ động sử dụng công nghệ số. Các hoạt động kinh doanh được triển khai bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, marketing, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu mở rộng thị trường, tư vấn, chăm sóc khách hàng, thực hiện các giao dịch mua, bán, thanh toán… dần thay thế cho cách làm truyền thống trước đây như in tờ rơi, tập gấp, sách, bản đồ. Nhờ đó, tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu du khách ở mọi lúc, mọi nơi.

Khu du lịch Happy Land Mộc Châu.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, thông tin: Nhờ ứng dụng công nghệ số giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận. Thông qua trang web của các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, du khách được cập nhật thường xuyên các hoạt động du lịch của địa phương, nắm bắt được các chương trình khuyến mại hay sản phẩm du lịch mới, từ đó giúp du khách có nhiều sự lựa chọn về thời gian, địa điểm du lịch phù hợp.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực du lịch được quan tâm triển khai. Tiêu biểu phải kể đến Đề tài “Ứng dụng công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) xây dựng mô hình tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”. Ứng dụng đã xây dựng mô hình tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La bằng công nghệ VR chạy trên môi trường Web 3D và máy tính. 

Người dân trải nghiệm ứng dụng tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La bằng công nghệ thực tế ảo.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng và Thư viện tỉnh, cho biết: Ứng dụng tham quan di tích bằng công nghệ thực tế ảo là một trong những hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, số hóa di sản của Bảo tàng tỉnh. Phần mềm cung cấp thông tin, dữ liệu lịch sử đầy đủ, chính thống cho du khách tham quan, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử của Sơn La và phục vụ cho du khách tham quan, trải nghiệm khi đến Bảo tàng tỉnh trong thời gian tới.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La và Công ty Cổ phần IGB ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển phần mềm “Du lịch thông minh Sơn La Tour”.  Ảnh: PV

Vào đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty Cổ phần IGB về hợp tác phát triển phần mềm "Du lịch thông minh Sơn La Tour". Theo đó, Công ty sẽ cung cấp phần mềm, số hóa dữ liệu về bản đồ du lịch toàn tỉnh, hệ thống các khu, điểm, địa danh, sản phẩm du lịch, ẩm thực, vui chơi, giải trí, dịch vụ đặt phòng, mua sắm trực tuyến các sản phẩm nông sản địa phương… phần mềm hoạt động trên website và các nền tảng di động, dự kiến sẽ được bàn giao cho tỉnh Sơn La và đưa vào vận hành từ tháng 7/2025.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Xây dựng phần mềm Du lịch thông minh Sơn La Tour với hệ sinh thái trên nền tảng số toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước (đặc biệt là quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá dịch vụ); cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến trên nền tảng số; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Cùng với đó, tạo kênh giao dịch điện tử, vé điện tử trong các hoạt động du lịch; cung cấp bản đồ điện tử du lịch; ứng dụng công nghệ AI tạo thuyết minh tự động; thực hiện chức năng báo cáo thống kê, điều tra số liệu du lịch; đảm bảo kết nối liên thông và đồng bộ dữ liệu với hệ thống du lịch quốc gia.

Du khách trải nghiệm Cầu kính Bạch Long tại Khu du lịch Mộc Châu Island.

Năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Sơn La ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 7,5%; doanh thu ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm trước. Trong quý I/2025, tổng lượng khách đến Sơn La ước đạt khoảng 1.760 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt khoảng 1.985 tỷ đồng.

Không chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên, sắc màu văn hóa, việc chuyển mình, bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số đã giúp du lịch Sơn La hứa hẹn thêm một năm bứt phá, đón lượng lớn du khách và doanh thu cao, góp phần khẳng định vị thế của du lịch Sơn La trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

 

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới