Sống để yêu thương

Trận đại hồng thủy vừa qua khiến đồng bào huyện Mường La phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát. Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, các cấp, các ngành và nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng sức, chung lòng hướng về Mường La, giúp đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Trong khó khăn hoạn nạn ấy, càng thấu hiểu về tình người, sáng ngời truyền thống đạo lý đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc ta.

 

Cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh phát thuốc cho nhân dân xã Hua Trai.

Ngay sáng hôm xảy ra mưa lũ tại huyện Mường La, chúng tôi đã có mặt ở vùng bị thiệt hại, chứng kiến cảnh tượng thảm khốc do cơn lũ dữ quét qua. Lòng tôi như thắt lại! Nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi nhà cửa, thậm chí có bản đã bị xóa sổ hoàn toàn không còn một nóc nhà. Bản làng, ruộng nương nay ngổn ngang đất đá. Có gia đình mất con; có nhà mất cha, mất mẹ; có người chồng mất cả vợ con. Mất mát! Đau thương quá, Mường La ơi!

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tập trung cao độ. Các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương, tỉnh đã có mặt để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Nhìn những chiến sỹ công an nhân dân, anh Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên tình nguyện băng qua lũ dữ để tìm kiếm, cứu người bị nạn, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn... thêm vững tin hơn bởi các anh như những điểm tựa vững vàng giúp nhân dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Trong khi bà con vùng lũ đang nương tựa vào nhau, gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai, những hình ảnh đau thương, cùng những lời kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do lũ tại huyện Mường La nhanh chóng được lan truyền khắp trên các phương tiện thông tin, được chia sẻ trên mạng xã hội đã có sức lay động, hiệu triệu nhiều trái tim khắp nơi hướng về đồng bào vùng lũ. Các cơ quan, đơn vị đã phát động cán bộ, CCVCLĐ ủng hộ ít nhất từ một ngày lương trở lên, quyên góp nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu. Các tổ chức đoàn thể tích cực vận động hội viên hướng về Mường La với nhiều hoạt động thiết thực. Các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các câu lạc bộ... cũng chung tay hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại. Nhiều tổ chức thiện nguyện trong và ngoài tỉnh không quản đường xá xa xôi đã đến động viên, hỗ trợ cả vật chất, tinh thần với người dân vùng lũ. Một số nhà xe dịch vụ vận tải, gia đình có phương tiện ô tô cũng tự nguyện chở miễn phí cả người và hàng cứu trợ đến vùng bị ảnh hưởng thiên tai; có hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đã phục vụ cơm miễn phí cho bà con bị thiệt hại...

Với phương châm không để người dân đói, khát, các lực lượng tham gia cứu trợ, các tổ chức thiện nguyện đã nhanh chóng vận chuyển từ những can nước, thùng mỳ tôm, quần áo, chăn màn... đến tận tay bà con. Ai nấy đều thấm mệt, mồ hôi chảy ròng cả vào mắt cay xè, mặn chát môi, chân phồng rộp vì đi bộ để mang đồ dùng thiết yếu cho bà con... nhưng đều cảm thấy ấm lòng khi chia sẻ, trao những yêu thương với đồng bào bị thiên tai. Dù những hỗ trợ không thấm tháp so với những mất mát của đồng bào bị thiệt hại nhưng là nguồn động viên lớn, giúp bà con vượt qua khó khăn gây dựng lại cuộc sống. Những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân thật đáng trân trọng. Từ những tấm lòng thiện nguyện ấy, những năm qua, đã giúp bao em thơ nghèo khó được cắp sách đến trường, có áo ấm vượt qua mùa đông lạnh giá; giúp cho bao người nghèo có cơm ăn qua mùa đói giáp hạt, có ngôi nhà kiên cố che mưa nắng; dựng lên bao nhiêu lớp học ở vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn; có bao nhiêu số phận trong tình trạng bệnh tật hiểm nghèo, nguy kịch được trợ giúp, cứu sống... Họ đã sống để yêu thương như thế!

Các đoàn thiện nguyện đều mong muốn đến tận nơi để động viên, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con vùng lũ và trao tận tay tiền, đồ dùng hỗ trợ cho người bị thiệt hại. Đây là việc làm rất nhân văn, chính đáng. Song thực tế, nhiều đoàn thiện nguyện cùng lúc vào vùng thiệt hại, vô tình làm ảnh hưởng đến việc điều tiết giao thông, khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự. Mặt khác, do từ nơi xa đến không nắm rõ mức độ thiệt hại cũng như đối tượng cần trợ giúp dẫn đến dễ bị hỗ trợ “nhầm” đối tượng. Dẫu còn có điều chưa trọn vẹn trong hoạt động thiện nguyện, không riêng ở Mường La mà cả những nơi khác như trên mạng xã hội phản ánh, nhưng hơn cả, những hoạt động thiện nguyện vẫn là những nghĩa cử cao đẹp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nên làm. Những điều chưa trọn vẹn ấy ngẫm ra nằm ở cách cho và nhận. Cùng là làm việc thiện, nếu biết cách cho và nhận sẽ làm người cho hạnh phúc, vui vẻ mà người nhận cũng thấy ấm lòng. Nhưng cho và nhận không đúng cách có thể làm buồn lòng người cho, tủi thân người nhận. Do vậy, những người tham gia thiện nguyện cần có tấm lòng thánh thiện để cảm thông chia sẻ với những khó khăn, đau thương của người khác; có tâm sáng để hoạt động thiện nguyện có tổ chức, phối hợp tốt với địa phương, đảm bảo từ thiện đúng đối tượng, công bằng. Người nhận cũng cần có tâm, nhường nhịn, chia sẻ với những người cùng khó khăn, trân trọng những gì mình được nhận. Có như vậy, các hoạt động thiện nguyện mới mang đúng nghĩa nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, tạo sức lan tỏa khơi dậy nhiều hơn những tấm lòng thiện nguyện cùng chia sẻ yêu thương với đồng bào còn khó khăn, hoạn nạn.

Trong bài thơ “Một khúc ca xuân”, nhà thơ Tố Hữu đã đúc kết rằng “Sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”; còn trong nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng cất lên “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Hãy biết cho đi để cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa và đáng trân trọng. Mỗi chúng ta đều sống với tâm sáng, lòng thiện, sẵn sàng chia sẻ yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng sẽ tạo ra một xã hội thanh bình, hòa hợp và mọi người biết thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Sống để yêu thương, đó mới thực sự là xã hội văn minh, hiện đại mà chúng ta hướng đến.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới