Ngời sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tâm lũ

Đêm ngày 2/8 rạng sáng ngày 3/8, trên địa bàn một số xã của huyện Mường La có xảy ra mưa to, gây ra lũ ống, lũ quét làm thiệt hại về người, tài sản, đường giao thông, cây cối hoa màu của nhân dân. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Mường La, tính đến 11 giờ ngày 7/8, toàn huyện có 176 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn, 191 nhà thuộc diện hư hỏng nặng và phải di chuyển khẩn cấp, uớc thiệt hại giá trị tài sản khoảng 685 tỷ đồng; 10 người bị chết, 5 người mất tích, 13 người bị thương.

Khẩn trương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn

Ngay khi nhận được thông báo, Bộ CHQS tỉnh đã điều động 4 xe tải, 1 xe cứu thương và 200 cán bộ, chiến sỹ và dân quân huyện Mường La có mặt kịp thời tại hiện trường khẩn trương tìm kiếm, cứu vớt người bị lũ cuốn trôi, khắc phục hậu quả, hỗ trợ nạo vét bùn đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng và tháo dỡ các nhà dân có nguy cơ bị lũ cuốn trôi, sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức lắp ghép 36 bộ nhà bạt để chính quyền địa phương bố trí cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà có nơi tránh trú tạm thời. Cùng với đó, nhanh chóng triển khai 3 tổ đài thông tin quân sự, thiết lập mạng liên lạc với khu vực đang bị cô lập vì nước to, hỏng đường giao thông để nắm bắt tình hình và có phương án cứu hộ kịp thời, hiệu quả.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh giúp tháo dỡ, di chuyển nhà dân ra khỏi

khu vực nguy cơ sạt lở tại thị trấn Ít Ong (Mường La).

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích do lực lượng quân đội làm nòng cốt, phối hợp với các lực lượng khác và nhân dân địa phương, nhanh chóng được tiến hành dọc suối Nặm Păm và dọc sông Đà. Với 3 xuồng cứu hộ của Bộ CHQS tỉnh và Công ty Thủy điện Sơn La, đến 11 giờ ngày 7/8, đã tìm kiếm được 12/15 người, trong đó 10 người đã xác định danh tính và tổ chức mai táng.

Theo Đại tá Trần Xuân Cương, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh: Ưu tiên số 1 là nhanh chóng giúp đỡ người dân di dời nhà cửa ra khỏi các khu vực có nguy cơ sụt lở và bị lũ quét cao để bảo đảm an toàn. Việc tổ chức cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích sau trận lũ quét cũng đang được cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh khẩn trương tiến hành. Do vậy, sáng ngày 6/8, Bộ CHQS tỉnh đã tăng cường thêm 30 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 754 và 2 tổ đài thông tin, nâng tổng quân số tham gia khắc phục hậu quả tại vùng bị thiên tai lên gần 300 đồng chí, đồng thời bảo đảm vững chắc thông tin cho chỉ huy trong vùng bị thiên tai.

Theo thống kê sơ bộ, từ sáng ngày 3/8 đến 7/8, cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh phối hợp cùng các lực lượng khác đã hỗ trợ tháo dỡ, di chuyển được khoảng 90 nhà dân ra khỏi vùng nguy hiểm, di chuyển 1 trạm y tế xã lên vị trí mới, hỗ trợ dựng lán trại bảo đảm cho khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân; dọn vệ sinh gần 20 nhà dân, trụ sở UBND, trường THCS, trường Tiểu học xã Nặm Păm. Tham gia kè 60 m suối Nặm Păm, bảo đảm thi công sửa cầu và chống sạt lở cho nhà dân khu vực thị trấn Ít Ong.

Do nguồn hàng cứu trợ từ các tổ chức và người dân các nơi đổ về lớn: Hơn 6 tấn gạo, trên 6.000 thùng mỳ tôm, 400 thùng quần, áo và nhiều vật dụng khác (xà phòng, giầy dép, nước uống...), để đáp ứng yêu cầu cấp thiết nhu cầu vận chuyển hàng cứu trợ đến với người dân vùng bị thiên tai, nhất là ở những bản đang bị cô lập ở xã Nặm Păm, Bộ CHQS tỉnh chủ động chỉ đạo các đơn vị có nhiệm vụ mở đường, tiếp cận khu vực bị chia cắt, hỗ trợ tiếp nhận và vận chuyển lương thực, quần áo, thuốc men, với phương châm: Một người bằng hai. Nhờ vậy, đã có hàng trăm bao gạo, thùng mỳ tôm và kiện nước sạch kịp thời đến với các hộ gia đình tại  bản Huổi Liếng, Huổi Hốc, là địa bàn thiệt hại nặng nhất của xã Nặm Păm trong trận lũ quét.

Tăng cường, chủ động chăm sóc sức khỏe người dân vùng lũ

Quán triệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu về bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân, phòng trừ dịch bệnh khu vực bị lũ, ngày 6/8, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Viện Quân y 6, Quân khu 2, điều động tổ công tác gồm 15 cán bộ y, bác sỹ hành quân cơ động khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở xã Nặm Păm, là địa bàn bị ảnh hưởng thiệt nặng nhất trong vùng bị thiên tai. Trong 2 ngày, lực lượng quân y đã tổ chức khám bệnh và tư vấn phòng dịch cho trên 300 người dân và lực lượng tham gia cứu hộ tại địa bàn; cấp thuốc miễn phí trị giá trên 50 triệu đồng. Chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp và các chấn thương do chạy lũ gây ra.

Theo Đại tá Đinh Minh Thái, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La cho biết: Cùng với việc tổ chức khám và cấp thuốc, lực lượng quân y kết hợp tuyên truyền, tư vấn các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân ở các vùng bị thiên tai. Đồng thời, tổ chức khảo sát các vùng mà lực lượng dân y không thể đến được để tiếp tục triển khai, kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng bị thiên tai. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với y tế địa phương tổ chức phun thuốc phòng dịch, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh trong môi trường sống của người dân sau lũ.

Ngời sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

 “Trong đêm, nghe Trưởng bản gọi loa, chỉ kịp chạy lên núi để không bị lũ, sáng ra về nhà thì đồ đạc, lợn, gà bị cuốn hết rồi. May còn nhà ở, nhưng cũng bị nước xói mòn hết mấy chân cột, nên cũng chẳng dám ở. Mấy hôm nay, được các anh bộ đội giúp, khuân đá dưới suối, kè cho chắc chắn cái cột nhà, mới có nơi ngủ...” Đó là lời tâm sự của chị Quàng Thị Xiên, bản Hua Nặm, xã Nặm Păm. Còn với già Cà Văn Tiến, bản Hua Nặm đã hơn 70 năm chưa thấy trận lũ nào lại lớn như vậy. Vì chạy lũ mà đến giờ chân tay già vẫn bủn rủn, đứng cũng không vững. Nhưng khi được các bác sỹ quân đội đến khám, cho thuốc, và phun thuốc trong nhà, ngoài sân để phòng dịch, già như thấy khỏe ra, vui lắm và cảm ơn bộ đội nhiều... 

Trung Hà

 (Bộ CHQS tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới