Hành trình về với người dân vùng lũ

Cùng với các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đang hướng về Mường La - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của trong đợt lũ quét vừa qua. Chúng tôi, những thành viên trong Câu lạc bộ tình nguyện trẻ Sơn La đã về với vùng rốn lũ để chia sẻ những thiệt hại cùng với nhân dân.

Các tình nguyện viên vận chuyển hàng cứu trợ đến các bản của xã Nặm Păm.

Chị Trịnh Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chia sẻ: “Để có cuộc hành trình đi vào nơi tâm lũ trao quà cho bà con, Ban truyền thông của CLB đã kêu gọi các nhà hảo tâm thông qua các trang mạng xã hội, sức mạnh của công nghệ số đã kết nối những tấm lòng yêu thương đồng lòng thiện nguyện vì bà con Mường La. Ngoài những người dân trong Thành phố nhiệt tình mang đồ cứu trợ đến điểm tập kết, các tình nguyện viên Câu lạc bộ còn tích cực đi gom đồ người dân quyên góp quanh Thành phố. Xác định đường đi sẽ khó khăn, phải vượt suối, bùn lầy và có thể gặp mưa nên 70 tình nguyện viên tham gia hành trình đều chuẩn bị áo mưa, ủng, găng tay, mũ đầy đủ. Đêm trước ngày đi, trong chúng tôi không ít người mất ngủ, phần vì hồi hộp, phần vì mong trời mau sáng để sớm được vào với bà con”.

5 giờ sáng, các thành viên đã có mặt đầy đủ ở điểm tập kết. Đoàn có 12 ô tô, trong đó có 5 xe chở hàng cứu trợ gồm hơn 1 tấn gạo, hơn 200 thùng mì tôm, muối, nến, đèn pin, quần áo, đồ dùng gia đình. Từ ngã ba cầu cứng của huyện Mường La, Đoàn chia thành 2 tốp: 5 xe chở hàng đi đường tắt vào Hua Nặm; 7 xe chở người đi qua trung tâm huyện vào Nặm Păm. Đúng 6 giờ, chúng tôi đã có mặt tại chân cầu Nặm Păm, dù đã được biết trước thông tin qua báo, đài, nhưng khi được chứng kiến tận mắt, chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng trước cảnh tượng do thiên tai gây ra, hai đầu cầu bị lũ cuốn phăng không còn dấu tích, trơ lại đoạn thân cầu chơ vơ giữa dòng nước xiết.

Tiếp tục đi bộ hơn 3 km, chúng tôi đến Hua Nặm, nơi tập trung hàng cứu trợ để đi vào các bản bị cô lập như bản Bau, Huổi Hốc, bản Hốc, Huổi Liếng... Cơn lũ đã tạo thêm 1 dòng chảy mới, cách con suối cũ gần 100m, giữa dòng đất đá, cây cối vẫn ngổn ngang. Cơn lũ đã tràn qua nơi đây được 4 ngày, nhưng các chiến sĩ cơ động vẫn phải bắc tấm ván qua suối, cử người đứng giữa dòng để đỡ người dân qua lại, vận chuyển đồ cứu trợ, dựng lán cho người dân. Tại đây, chúng tôi gặp các Đoàn tình nguyện của Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, cả thầy, cả trò đang hò nhau vác gạo, mì tôm vào bản. Tại 1 nhà dân còn sót lại sau trận lũ, một số thành viên Câu lạc bộ “Tấm lòng bốn phương” tất bật vo gạo, nhặt rau, chuẩn bị nấu cơm, đưa đến tận nhà cho bà con ở xa.

Từ Hua Nặm, chúng tôi chia nhau, nhóm nam vác gạo, nhóm nữ khiêng mì tôm, chăn màn, quần áo với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” để đưa đồ cứu trợ đến tận tay bà con. Gặp ông Lò Văn Sơn ở bản Hốc, xã Nặm Păm đang ngồi bên vệ đường. Khuôn mặt thẫn thờ, nước mắt vòng quanh, nhìn nền nhà trơ trọi, ngổn ngang đá sỏi sau cơn lũ vừa qua, ông nức nở: “Cả bản mất nhà, mất ruộng, mất trâu bò... Công sức bao nhiêu năm qua bây giờ thành con số không, biết đến bao giờ chúng tôi mới có lại được”. Sau thời gian ngắn ngủi thăm hỏi, động viên và tặng ông Sơn quần áo, mì tôm, chăn màn, chúng tôi tiếp tục hành trình. Đường vào bản Huổi Hốc càng khó đi, một bên là suối, một bên là đá, không thể hình dung nơi này trước đây đã từng có những nếp nhà sàn san sát, có tiếng cười vô tư của trẻ thơ, đã từng có ruộng lúa chín vàng no ấm. Đón chúng tôi từ đầu bản là ông Lò Văn Lả, Bí thư bản Huổi Hốc, ông nghẹn ngào kể: “Lũ đến nhanh quá cháu ạ, bà con không kịp chạy bất cứ thứ gì, ruộng đồng, mương phai bị đất đá vùi lấp hết, cả bản có 3 người bị cuốn đi, trong đó có cháu ruột tôi, là Lò Văn Cứu, năm nay 30 tuổi, còn có vợ và hai con nhỏ, bây giờ vợ con Cứu không biết trông cậy vào ai nữa”.

Một ngày với bà con vùng lũ Nặm Păm là những cảm xúc nghẹn ngào, những giọt nước mắt quyện cùng mồ hôi chảy vào môi mặn chát. Trong những mất mát, có lẽ mất người thân là nỗi đau lớn nhất của người dân vùng lũ nơi đây. Chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn đau, lo lắng trên khuôn mặt, ánh mắt của bà con. Những phần quà tuy ít ỏi, chỉ là những thùng mì tôm, vài cân gạo, vài bộ quần áo, nhưng sự quan tâm, đồng cảm, động viên của những người làm tình nguyện đã làm ấm lòng bà con nơi đây. Những ánh mắt cảm động, những cái siết tay thật chặt của bà con đã xua tan những mệt mỏi, nhọc nhằn của các thành viên trong đoàn. Chúng tôi tự hứa với lòng mình, sẽ tiếp tục trở lại đây, để cùng bà con vượt khó khăn này.

Cơn lũ đi qua gây ra cho người dân quá nhiều mất mát. Nhưng cũng chính từ trong nỗi đau, mất mát đó đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của cả cộng đồng với người dân vùng lũ Mường La.

Thủy Tiên

(CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới