Các địa phương hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021

Những ngày qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, giới thiệu cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại Bắc Kạn, sau khi thường trực HĐND tỉnh trình bày dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV phân bổ cho tỉnh Bắc Kạn là 06 đại biểu trong đó Trung ương giới thiệu 02 người, đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4 người, các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận đồng tình với số lượng  đại biểu được phân bổ. Để có số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV ở tỉnh Bắc Kạn là 06 đại biểu, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã  biểu quyết số lượng ứng cử viên của địa phương là 12 người để định hướng đến hiệp thương lần sau.

Về bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2106 - 2021, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh giới thiệu dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 100 người, với các thành phần: chuyên trách Đảng, chuyên trách MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị hành chính cấp dưới, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các thành phần khác...

Các đại biểu biểu quyết thông qua số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu

HĐND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021 (Ảnh: PV)

Tại tỉnh Hòa Bình, đồng chí Hoàng Quang Minh, Thường trực HĐND tỉnh đã trình bày toàn văn Công văn số 1041 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu ĐBQH khóa XIV; Thông báo số 186 của Thường trực Tỉnh ủy về việc dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV và Thông báo số 30 của Thường trực HĐND tỉnh về số lượng, cơ cấu và thành phần đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV.

Theo đó, số lượng phân bổ của Ủy ban thường vụ Quốc hội với tỉnh Hòa Bình là 06 đại biểu Quốc hội. Cụ thể, Trung ương giới thiệu 2 đại biểu; 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Về cơ cấu, có 3 đại biểu theo cơ cấu định hướng gồm: 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; 1 đại biểu chuyên trách; 1 đại biểu Viện kiểm sát; theo cơ cấu hướng dẫn, gồm: 1 đại biểu do địa phương giới thiệu ở các lĩnh vực khoa học – công nghệ; giáo dục; văn hóa, nghệ thuật, y tế, lao động, thương binh, xã hội. Về cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu, gồm: 3 đại biểu dân tộc Mường (giới thiệu ứng cử 4 người); 2 đại biểu nữ (giới thiệu ứng cử 4 người); 1 đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi); 3 đại biểu tái cử.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021. Về số lượng đại biểu HĐND tỉnh, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 61 đại biểu. Trong đó, các cơ quan tỉnh 34 đại biểu; các huyện, thành phố và cơ sở 27 đại biểu. 

Qua nghiên cứu văn bản, các đại biểu cũng đã thảo luận về việc cơ cấu thêm đại biểu một số ngành, thành phần, bổ sung thêm các lĩnh vực và địa phương. Sau khi thảo luận, 100% đại biểu đã thống nhất thông qua số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo Thông báo số 29 của Thường trực HĐND tỉnh.

Tại Quảng Ninh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của tỉnh.

Hội nghị đã quán triệt mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; nghe dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Quảng Ninh và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII. Theo đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh khóa XIV được bầu là 7 đại biểu (trong đó, đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4 người và đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3 người). 

Đối với cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND tỉnh dự kiến: Số đại biểu được bầu là 75, dự kiến phân bổ số lượng giới thiệu là 307 đại biểu (trong đó: 116 đại biểu nữ, 41 đại biểu ngoài Đảng, 54 đại biểu dưới 35 tuổi và 13 đại biểu dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất về dự kiến nhân sự cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Quảng Ninh và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021. Các đại biểu cũng đề nghị trong 3 đại biểu Quốc hội Trung ương giới thiệu có 1 đại biểu cơ cấu ngành than. Về bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, một số ý kiến đề nghị số lượng phân bổ ứng cử đại biểu HĐND cần tăng thêm cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực; gắn việc thực hiện Đề án 25 của tỉnh trong xây dựng cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND tỉnh, trong đó quan tâm tăng thêm đại biểu trong khối dân vận; xem xét lại tiêu chuẩn về tuổi đối với đại biểu Hội Cựu chiến binh…

Tại Quảng Trị, các đại biểu đã biểu quyết thống nhất nội dung thông báo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về số lượng Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Quảng Trị được bầu là 6 người. Trong đó có 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, còn 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Về cơ cấu thành phần được định hướng gồm 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, 1 đại biểu chuyên trách, 1 đại biểu đại diện cho Đoàn thanh niên, 1 đại biểu đại diện các lĩnh vực KHKT, Y tế, Giáo dục, Văn hóa Nghệ thuật và Lao động, Thương binh và Xã hội... Đồng thời biểu quyết đề xuất điều chỉnh một số nội dung liên quan đến cơ cấu thành phần như về đại biểu nữ giảm từ 2 xuống còn 1, 1 đại biểu là Đoàn thanh niên hoặc Hội LHPN, 1 đại biểu là dân tộc Bru Vân Kiều hoặc Tà Ôi và tổng số người được giới thiệu và ứng cử vào bầu cử là 15.

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng thông qua số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV. Theo đó, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa XIV được bầu 50 đại biểu, trong đó số lượng nữ chiếm ít nhất là 35%, người được giới thiệu ngoài Đảng không dưới 10%, người được giới thiệu ứng cử dưới 35 tuổi từ 15% trở lên và phấn đấu có ít nhất 35% đại biểu HĐND nhiệm kỳ trước được tái cử. Về số lượng, cơ cấu thành phần trên đã được Hội đồng bầu cử tỉnh tính đến đặc thù của từng địa phương, tăng đại biểu ở Khối cơ quan dân cử và các đoàn thể, giảm đại biểu ở các cơ quan hành pháp so với nhiệm kỳ trước.

Tại Bạc Liêu, chiều 16/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ có 6 đại biểu được bầu, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã đưa ra dự kiến về số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội là 10 đại biểu, cần bầu 6 đại biểu.

Riêng đại biểu HĐND tỉnh, dự kiến số đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX ít nhất là 84 đại biểu, cần bầu là 50 đại biểu. Trong đó, tỷ lệ đại biểu là nữ chiếm 35,7%; đại biểu trẻ 15,4%; đại biểu tôn giáo, dân tộc 4,76%, đại biểu ngoài Đảng 10,7%.

Qua hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã thảo luận, thỏa thuận và thống nhất cao là tăng số lượng người tham gia ứng cử và mở rộng thành phần tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND tỉnh khóa IX. Đồng thời, thống nhất cao người tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 là 100 đại biểu./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới