75 năm qua kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập, năm 1946, cử tri cả nước mỗi khi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều luôn tâm niệm, đây không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ thiêng liêng mà còn là thực hiện nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước và địa phương.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước ta chưa khi nào có được tiềm lực, cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đa số cử tri đón nhận cuộc bầu cử với tâm thế phấn khởi, hồ hởi, tràn đầy niềm tin. Điều đó một phần xuất phát từ vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội. Quốc hội và HĐND các cấp đang ngày càng chứng tỏ là hiện thân của nguyện vọng, tiếng nói, tình cảm, nơi hội tụ quyền lực của nhân dân.
Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả, được ví như “viên gạch hồng” góp phần xây dựng địa phương và đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến, đế quốc mới giành được nó, vì vậy đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu cũng là nghĩa vụ thiêng liêng với mỗi cử tri”. Những người được cử tri tín nhiệm bầu trở thành đại biểu, sẽ thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và mỗi địa phương trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Bởi vậy, mỗi cử tri phải ý thức cao trách nhiệm của mình, phát huy tối đa quyền làm chủ, tham gia bầu cử đầy đủ; sáng suốt lựa chọn người có đức, có tài, có tâm, có năng lực và điều kiện để đứng ra gánh vác “việc làng, việc nước” trong nhiệm kỳ mới.
Với ý nghĩa thiêng liêng và tầm quan trọng của công tác bầu cử như vậy, tuy nhiên gần đây, ngoài sự chống phá của các thế lực thù địch, ở một số địa phương, xuất hiện những tiếng nói có tính chất “ngược dòng”, cá biệt có người kêu gọi người dân không tham gia đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Hiện tượng này thường xảy ra ở những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, cục bộ địa phương. Đặc biệt ở những khu vực đang triển khai các dự án phải thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng, một số đối tượng vì lợi ích cá nhân không được thỏa mãn đã lôi kéo, kêu gọi những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ lên tiếng phản đối việc triển khai dự án, chống đối chính quyền địa phương, gây mất an ninh trật tự. Một số lợi dụng những yếu kém, sơ hở của chính quyền cơ sở trong quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường… để kích động người dân.
Trong điều kiện tỉnh còn nghèo, nguồn ngân sách hạn hẹp, việc giải quyết các kiến nghị về đầu tư cơ sở vật chất ở các địa phương khó có thể đáp ứng ngay lập tức; không thể dàn đều mà phải lựa chọn đầu tư tùy vào tính cấp bách của dự án. Chưa nói đến việc triển khai các dự án đòi hỏi có thời gian thực hiện tuân thủ quy trình theo quy định của pháp luật và khả năng cân đối bố trí nguồn lực. Những đòi hỏi phi lý, ngay lập tức để phục vụ lợi ích một nhóm người chỉ chứng tỏ sự cục bộ, lòng tham lam của những người lợi dụng danh nghĩa đồng bào.
Phải thừa nhận một thực tế khác là, ngay trong mỗi gia đình đôi khi còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Việc điều hành, quản lý cả một địa phương, đơn vị càng không hề đơn giản. Chuyện để xảy ra những khuyết điểm, hạn chế cũng là lẽ chấp nhận được trong quá trình vận động, phát triển. Điều quan trọng là trước những vụ việc xảy ra, tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước đã nghiêm túc xem xét, sửa chữa, khắc phục và xử lý nghiêm minh vi phạm nếu có. Việc lợi dụng một số việc yếu kém, hạn chế của địa phương để kêu gọi người dân gây mất an ninh trật tự là vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được.
Tham gia bầu cử là quyền và là nghĩa vụ của mỗi công dân, quyền thiêng liêng đó đã phải trả bằng biết bao xương máu của cha ông. Mỗi công dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng, ảnh hưởng đến ngày hội bầu cử của toàn dân.
Điều 160, Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định: “1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây (a. Có tổ chức; b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c. Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân), thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!