Lá phiếu cử tri - Niềm tin và trách nhiệm

Cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 không chỉ là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, thể hiện niềm tin với Đảng, Nhà nước, hướng đến một tương lai tươi đẹp, hùng cường của đất nước.

Pa nô tuyên truyền cho Ngày hội bầu cử tại Thành phố.

Theo số liệu của Ủy ban bầu cử tỉnh, tính đến hết ngày 15/5/2021, toàn tỉnh có 796.537 cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử. Các cử tri sẽ lựa chọn 13 đại biểu Quốc hội được giới thiệu ở 3 đơn vị bầu cử để bầu 7 đại biểu; lựa chọn 110 người ở 17 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh để bầu 65 đại biểu; lựa chọn 682 người ở 97 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 405 đại biểu; lựa chọn 7.767 người ở 1.192 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 4.604 đại biểu.

Đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, mỗi cử tri sẽ thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định và việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật. Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.

Mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo...  Để bảo đảm khách quan trong việc lựa chọn của cử tri, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín. Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Như vậy, mọi quy định của pháp luật về bầu cử đã tạo ra những cơ chế rộng rãi nhất, thuận lợi nhất, dân chủ nhất để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình.

Để chọn đúng người, bầu đủ số lượng theo quy định của Nhà nước ở từng điểm bỏ phiếu theo đơn vị bầu cử vào ngày 23/5 sắp tới, mỗi cử tri cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; các quy định, hướng dẫn của Nhà nước và chính quyền các cấp, của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, tổ bầu cử. Thực hiện tốt nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu theo Điều 69 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu; cơ cấu cần thiết của Quốc hội, HĐND các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử. Cân nhắc, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới