Ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), đánh dấu một chương mới trong quan hệ Việt Nam-EU. Phát biểu tại lễ ký kết, bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy Thương mại của EU tin tưởng, Hiệp định được thực thi sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU, đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư giữa hai bên. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai Hiệp định EVFTA, các hoạt động hợp tác, giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân giữa các quốc gia diễn ra sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lấy con người làm trung tâm trong phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm quyền con người trong các vấn đề về môi trường, đất đai, lao động; không ngừng cải thiện đời sống của người dân, cũng như chú trọng nâng cao các tiêu chuẩn lao động và môi trường trong nước. Nhà nước Việt Nam đánh giá những cam kết về quyền con người trong hiệp định là cơ hội để đất nước tiến nhanh đến các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan, thiếu thiện chí luôn cố tình phủ nhận những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung, chỉ trích những cam kết của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định EVFTA liên quan đến vấn đề nhân quyền nói riêng.
Chẳng hạn, đầu tháng 2 vừa qua, bốn tổ chức có tên Liên đoàn Quốc tế nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam (VCHR), Đoàn kết Công giáo toàn cầu (CSW) và Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) đã lớn tiếng cáo buộc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền, vi phạm Hiệp định EVFTA. Trong đó đề cập khoảng 40 trường hợp được cho là “các nhà vận động về quyền của người lao động, môi trường và quyền đất đai” hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam, phải chịu án tù từ 3,5 năm đến 20 năm vì hành động ủng hộ sự phát triển bền vững. Một số cái tên được đề cập trong đó có Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Đặng Đình Bách, gia đình Cấn Thị Thêu và hai con trai. Bà Gaëlle Dusepulchre, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh, Nhân quyền và Môi trường của FIDH nêu ý kiến: “Chính phủ Việt Nam đang giam cầm những cá nhân bày tỏ quan ngại chính đáng về việc bảo vệ môi trường, các vi phạm quyền lao động và quyền đất đai, cũng như tác động xã hội-kinh tế của các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư”. Còn bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR kêu gọi: “Đã đến lúc EU phải ràng buộc Việt Nam chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm trắng trợn hiệp định thương mại. Các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam phải được an toàn và tự do khi họ yêu cầu chính quyền có trách nhiệm giải trình và đứng lên bảo vệ cộng đồng mình”.
Cần phải khẳng định rằng những nội dung chỉ trích, lên án Việt Nam mà bốn tổ chức có tên nêu trên vừa đưa ra không hề mới. Với thái độ thù địch, nhãn quan phiến diện, các tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí thường xuyên đưa ra những nhận định sai lệch, đồng thời tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam thông qua các hình thức ý kiến, thư ngỏ, hội luận, đơn kiện... Như ngày 25/11/2024, trên kênh YouTube của tổ chức khủng bố Việt Tân đưa thông tin về việc phối hợp cùng Hội Bảo vệ người lao động Việt Nam (Vietnam Worker Defenders), Ủy ban hỗ trợ Việt Nam (Support Committee for Vietnam) nộp đơn kiện Nhà nước Việt Nam lên cơ chế châu Âu Single Entry Point vì cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết trong Hiệp định EVFTA. Liên quan đến nội dung đơn kiện, ngày 19/11/2024, nhóm này đã tham gia buổi họp với cơ quan chức năng của Quốc hội châu Âu. Tại cuộc họp, nhóm đưa ra những thông tin không chính xác về quyền của người lao động tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 28/2/2023, một số nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã tổ chức hội thảo nhằm xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA với nhiều cáo buộc chủ quan, dựa trên những thông tin phản ánh không đúng tình hình thực tế tại Việt Nam. Điều đáng nói là buổi hội thảo được tổ chức với sự góp mặt của một số tổ chức phản động, tiêu biểu như tổ chức khủng bố Việt Tân. Bởi vậy cũng dễ hiểu khi buổi hội thảo đã là cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, như việc quy kết “tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng thậm tệ hơn”, “Nhà nước Việt Nam tìm đủ mọi cách ngăn cản, gây khó khăn cho người lao động trong việc thành lập nghiệp đoàn độc lập”, “chính quyền Việt Nam đã vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA”, “Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường”... Từ đó kêu gọi các nghị viên EU “gây sức ép mạnh hơn đối với chính quyền Hà Nội”. Bổn cũ soạn lại, những nội dung này tiếp tục được đề cập trong bản khiếu nại mà bốn tổ chức nhân quyền vừa gửi lên Ủy ban châu Âu đầu tháng 2 vừa qua.
Quan sát trên thực tiễn có thể thấy nổi lên một số yêu sách mà các đối tượng chống phá cố tình xoáy vào, đó là đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn của người lao động; đòi trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề thành lập tổ chức đại diện của người lao động, tại khoản 3, Điều 3, Bộ luật Lao động (năm 2019) chỉ rõ: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động”.
Đồng thời, tại chương XIII, với 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178), Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vừa qua, ngày 27/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), với một số điểm mới đáng chú ý, đó là hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Như vậy, có thể thấy Việt Nam luôn coi trọng quyền lợi của người lao động cũng như nghiêm túc nội luật hóa các cam kết về lao động, công đoàn được đề cập trong các Hiệp định thương mại như EVFTA hay CPTPP. Trong khi đó, các tổ chức “nghiệp đoàn lao động độc lập” mà các đối tượng phản động hô hào thành lập thực chất là tổ chức chống phá núp dưới vỏ bọc “bảo vệ người lao động”, nhưng mục đích là lợi dụng những khó khăn, những bất cập trong lao động, việc làm để lôi kéo công nhân, người lao động tham gia các hoạt động trái pháp luật, gây bất ổn xã hội.
Còn đối với những cá nhân được gọi là “nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường bị Nhà nước Việt Nam bắt giam, bỏ tù” mà một số tổ chức, cá nhân ở hải ngoại ra sức cổ xúy, tung hô và bảo vệ, cần thẳng thắn vạch trần chân tướng của những người này. Cần thấy rõ rằng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Ở Việt Nam không ai bị bắt vì hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường, mà chỉ có các cá nhân vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do cá nhân để chống phá Nhà nước, xâm phạm lợi ích quốc gia, xâm hại quyền và lợi ích của người khác bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc lên án Việt Nam bỏ tù “nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường” mà các thế lực thù địch ra sức rêu rao thực chất là chiêu trò “đánh lận con đen”, biến những đối tượng phạm tội thành “hình mẫu” đấu tranh vì dân chủ nhân quyền.
Đơn cử như với trường hợp Phạm Chí Dũng, ngày 5/1/2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Chí Dũng và các đồng phạm là Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Theo nhận định của hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hành vi của các bị cáo đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, hòng làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, nhằm gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước.
Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận các tình tiết phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Trên cơ sở đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù. Như vậy hoàn toàn không có việc Phạm Chí Dũng bị “đàn áp”, “bịt miệng” vì hoạt động nhân quyền như các đối tượng chống phá bịa đặt. Sự tráo trở này đã phần nào cho thấy rõ bản chất xấu xa của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, phản động đang tìm mọi phương cách, thủ đoạn để chống phá Việt Nam.
Thực tiễn phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua càng cho thấy sự lạc lõng, lố bịch của những quy kết phiến diện, xuyên tạc, mang tính áp đặt nêu trên. Thực tế này đòi hỏi mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo nhận diện và đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù địch, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, không tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lôi kéo dụ dỗ, thực hiện các hành vi đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cần quyết tâm, chung sức, đồng lòng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!