Một chiến dịch tiêm chủng chống lại COVID-19 được khởi động tại Goma, CHDC Congo, với vaccine nhận được từ sáng kiến COVAX. (Ảnh: UN)

Tuy nhiên, theo WHO, diễn biến giảm vẫn "không bền vững", với hơn 5,5 triệu trường hợp được báo cáo và gần 90.000 trường hợp tử vong, tương ứng thấp hơn 4% so với tuần trước. "Tỷ lệ mắc và tử vong, tuy nhiên, vẫn ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch" – WHO lưu ý.

Trong báo cáo dịch tễ học mới nhất, cơ quan Liên hợp quốc nhắc lại rằng tỷ lệ tử vong đã tăng lên ở các khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Tỷ lệ tử vong tăng ở Tây Thái Bình Dương (+ 34%) và Đông Nam Á (+ 15%), nhưng giảm ở châu Âu (-18%), Đông Địa Trung Hải (-13%), Bắc và Nam Mỹ (- 4%) và châu Phi (-3%).

Ấn Độ có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới

Đồng thời, theo WHO, số ca mắc mới hàng tuần đã giảm ở tất cả các khu vực ngoại trừ Đông Nam Á, khu vực tiếp tục "trên một quỹ đạo tăng trong 9 tuần". Đông Nam Á, theo phân loại của WHO cũng bao gồm Ấn Độ, ghi nhận mức tăng ca bệnh nhiều nhất (+ 6%).

Ấn Độ tiếp tục chiếm 95% số ca mắc và 93% số ca tử vong ở khu vực Đông Nam Á, cũng như 50% số ca mắc và 30% số ca tử vong trên toàn cầu. Xu hướng đáng lo ngại này cũng đã được quan sát thấy ở các nước láng giềng.

Mặt khác, số ca mắc đã giảm 23% ở châu Âu, 13% ở Đông Địa Trung Hải, 5% ở châu Phi và 4% ở châu Mỹ. Tuy nhiên, WHO ước tính rằng trong tất cả các khu vực y tế của mình, một số quốc gia đã cho thấy "xu hướng gia tăng liên tục về số ca mắc và tử vong" trong vài tuần.

Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ xâm nhập 44 quốc gia

Tổ chức Y tế thế giới cũng thông báo, biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020 đã được ghi nhận ở hơn 4.500 mẫu bệnh phẩm từ 44 quốc gia được đăng tải trên hệ thống dữ liệu truy cập mở. Biến thể này được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng dịch COVID-19 dữ dội hiện nay ở Ấn Độ.

Ngoài Ấn Độ, WHO cho biết Anh là quốc gia ghi nhận có nhiều ca nhiễm biến thể mới này nhất.

Đầu tuần này, WHO đã tuyên bố B.1.617 là "biến thể đáng lo ngại", cùng với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh, Brazil và Nam Phi vì B.1.617 dễ lây lan hơn so với chủng virus ban đầu. Các biến thể này được cho là nguy hiểm hơn so với chủng virus ban đầu bởi chúng vừa có khả năng lây nhiễm vừa có độc lực cao hơn và thậm chí có thể thoát khỏi sự bảo vệ của một số loại vaccine.

Hơn 2,8 triệu ca mắc và 29.000 ca tử vong mới ở Đông Nam Á

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết với 2.738.957 trường hợp mắc mới, Ấn Độ có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, trong đó New Delhi tăng 5%. Tiếp theo là Brazil (423.438 ca mắc mới; tương tự tuần trước), Mỹ (334.784 ca mắc mới; giảm 3%), Thổ Nhĩ Kỳ (166.733 ca mắc mới; giảm 35%) và Argentina (140.771 ca mắc mới; giảm 8%).

Nhìn vào các trường hợp mắc theo khu vực cũng cho thấy Đông Nam Á đã ghi nhận hơn 2,8 triệu trường hợp mắc mới và gần 29.000 trường hợp tử vong mới. Đây là mức tăng lần lượt 6% và 15% so với tuần trước. Theo WHO, đây là tuần thứ 9 liên tiếp gia tăng tỷ lệ mắc và tử vong trong khu vực.

Trong khi Ấn Độ báo cáo số ca mắc mới cao nhất từng được ghi nhận ở nước này (2.738.957 ca mắc mới; 198,5 ca mắc mới trên 100.000 dân; tăng 5%), thì quốc gia này cũng có số ca tử vong mới cao. New Delhi báo cáo có 26.820 trường hợp tử vong mới, tăng 15%.

Giảm 25% số ca mắc mới ở châu Âu

Báo cáo dịch tễ học mới nhất của WHO cũng cho thấy Tây Thái Bình Dương có số người tử vong mới tăng 34%, với 700 người tử vong. Tuy nhiên, khu vực đã báo cáo hơn 127.000 trường hợp mắc mới. Và đây là mức giảm 4% so với tuần trước.

Ở phía Đông Địa Trung Hải, khu vực có hơn 280.000 trường hợp mắc mới và hơn 5.600 trường hợp tử vong mới, cả hai tỷ lệ đều giảm 13% so với tuần trước. WHO cho biết: “Đây là tuần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong được báo cáo giảm mạnh sau 11 tuần gia tăng”.

Với hơn 897.000 trường hợp mắc mới và chỉ dưới 19.000 trường hợp tử vong mới, lục địa châu Âu cho thấy mức giảm lần lượt là 25% và 18% so với tuần trước. Theo cơ quan y tế toàn cầu của Liên hợp quốc, các trường hợp mắc và tử vong trong khu vực đã giảm kể từ tháng trước.

Châu Mỹ ghi nhận hơn 1,2 triệu ca mắc mới và 33.000 ca tử vong mới, giảm lần lượt 4% và 8% so với tuần trước. Đây là tuần thứ ba liên tiếp số ca mắc bệnh giảm trong khu vực. WHO cho biết: “Tuy nhiên, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia./.