Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/12 cảnh báo, biến thể mới Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh “chưa từng thấy” so với với bất kỳ biến chủng nào khác của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 từng được biết đến trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 14/12, người đứng đầu WHO thông tin, biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và Hồng Kông (Trung Quốc) hồi tháng trước hiện đã lan ra 77 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông cho rằng biến chủng này rất có thể đã hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới mà chưa được phát hiện, đồng thời cảnh báo các nước không nên nhìn nhận đây là 1 biến thể “nhẹ” của virus SARS-CoV-2.
"Omicron đang lan truyền với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy đối với bất kỳ biến thể nào trước đó", ông Tedros nhấn mạnh, đồng thời cho rằng ngay cả khi Omicron gây ra tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca bệnh tăng nhanh có thể 1 lần nữa khiến các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị sẵn sàng lâm vào tình trạng quá tải.
Tổng Giám đốc WHO cũng cho biết, đã có những bằng chứng cho thấy có sự suy giảm nhỏ trong hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 đối với việc ngăn ngừa bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong, song các loại vaccine hiện tại vẫn có khả năng “bảo vệ đáng kể”.
Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cũng cho rằng, vaccine “không thất bại” trước virus: “Câu hỏi đặt ra là các loại vaccine hiện tại mà chúng ta đang sử dụng có khả năng bảo vệ như thế nào trước các biến thể, và khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong đối với biến chủng Omicron ở mức độ nào. Và các dữ liệu hiện cho thấy vaccine vẫn có khả năng bảo vệ đáng kể”.
Ông Ryan cũng nhận định, phải thêm “nhiều tuần nữa”, làn sóng lây nhiễm hiện tại mới đạt đỉnh, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh với tốc độ vượt xa chủng Delta hiện đang “thống trị” trên toàn cầu.
Trong khi đó, ông Tedros cho biết, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều tăng cường chỉ có thể phát huy tác dụng trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nếu những người cần được bảo vệ nhất cũng có thể được tiếp cận vaccine.
“Thứ tự ưu tiên là rất quan trọng. Việc tiêm liều tăng cường cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong thấp sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của những người có nguy cơ cao vẫn đang chờ được tiêm những liều đầu tiên, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tedros, tiêm liều tăng cường cho những người có nguy cơ cao cũng có thể cứu sống nhiều người hơn so với việc chỉ tiêm những liều chủ đạo cho những người có nguy cơ thấp.
Tổng Giám đốc WHO lưu ý, sự xuất hiện của Omicron đã thúc đẩy một số quốc gia triển khai các chương trình tiêm tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành, ngay cả khi chưa có đủ bằng chứng khoa học về hiệu quả của liều thứ ba trước biến thể này.
Ông Tedros cũng bày tỏ lo ngại, rằng các chiến dịch tiêm tăng cường như vậy sẽ làm tái diễn tình trạng tích trữ vaccine như đã thấy trong năm nay, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất công bằng trong tiếp cận và phân phối vaccine phòng Covid-19.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!