Trước Hội nghị lần thứ hai của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tiếp cận công bằng vaccine sắp diễn ra, WHO cảnh báo, châu Phi đang đối mặt tình trạng thiếu hụt vaccine trầm trọng.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đây đã vượt mức 6 triệu. Ðáng nói là, "lục địa đen", nơi có 1,3 tỷ dân, bị tụt lại khá xa trong chiến dịch tiêm chủng cho người dân so với các khu vực khác trên thế giới. Hiện chỉ có khoảng 18 triệu người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn 1% dân số của châu lục này. Do hầu hết các nước châu Phi dựa vào nguồn cung vaccine của cơ chế COVAX nên nhiều nước buộc phải trì hoãn kế hoạch tiêm chủng khi Ấn Ðộ, nhà cung cấp chính của COVAX, ngừng xuất khẩu vaccine để tập trung cho chương trình tiêm chủng trong nước.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về tiếp cận vaccine trên thế giới, sự chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo đang tạo thành những gam màu tương phản rõ rệt. Trong khi Mỹ đã tiêm chủng đủ liều cho khoảng 50% dân số và có dư vaccine, thì ở cách đó không xa về mặt địa lý, Haiti - một quốc gia Mỹ Latin, vừa nhận được lô vaccine đầu tiên thông qua COVAX vào ngày 14/7, gồm 500.000 liều. Mỹ, các nước châu Âu… có lợi thế lớn trong tiếp cận nguồn cung vaccine, bởi nhiều công ty dược lớn đều nằm tại đây với những cơ sở sản xuất vaccine tiên tiến. Và các nước này cũng có nguồn tài chính dồi dào.
Mới đây, nhiều quốc gia nảy ra ý tưởng tiêm tăng cường mũi vaccine phòng Covid-19 thứ ba cho người dân. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải nhiều tranh cãi. Giới chuyên gia lo ngại các nước thúc đẩy kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ ba sẽ càng khoét thêm "hố sâu" chênh lệch về phân phối vaccine trên toàn cầu. WHO kêu gọi các nước có điều kiện kinh tế ưu tiên chia sẻ vaccine cho những nước nghèo, thay vì tổ chức tiêm mũi thứ ba.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng thừa nhận, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo là thất bại của thế giới. Cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của COVAX, các nước giàu nên nêu cao hơn nữa tinh thần sẵn sàng, chủ động chia sẻ vaccine với các nước nghèo. Khi ấy, "cuộc đua" không cân sức hiện nay mới có thể trở thành "cuộc chạy tiếp sức" trên hành trình tiếp cận vaccine, đưa toàn thế giới "cán đích" chiến thắng dịch bệnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!