Thế giới tuần qua: Xóa bỏ nỗi lo chiến tranh hạt nhân

Tuần qua (3-9/1/2022), bên cạnh những thông tin quan ngại về dịch bệnh COVID-19, bạo loạn lan rộng ở Kazakhstan và tình hình bán đảo Triều Tiên, thế giới ghi nhận nỗ lực của các cường quốc nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân cùng động thái "hạ nhiệt" giá dầu của nhóm OPEC+...

5 cường quốc nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân

 5 cường quốc thế giới cam kết không để xảy ra chiến tranh hạt nhân. Ảnh: Getty/AFP

Ngày 3/1, năm quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới (còn gọi là nhóm P5), gồm: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung khẳng định phản đối việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân của họ cho các mục đích tấn công, đồng thời cam kết sẽ cùng nhau giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong một tuyên bố hiếm hoi, 5 cường quốc đồng thời là 5 quốc gia Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh, việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng. Do vậy, cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này.

Các bên ký kết cũng cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ "các thỏa thuận và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí song phương và đa phương", đồng thời tuyên bố rằng không có vũ khí hạt nhân nào của họ là nhằm vào nhau hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

Dư luận đã hoan nghênh tuyên bố chung của 5 cường quốc. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid đánh giá đây là thông điệp đúng đắn đối với thế giới, thể hiện mong muốn tăng cường sự hiểu biết cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả.

Tuyên bố của nhóm P5 được kỳ vọng sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động hiện nay

WHO thông tin bổ sung về các biến chủng IHU và Omicron

 Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Reuters)

Trong tuần qua, ông Abdi Mahamud, một quan chức thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những nhận định bổ sung về biến chủng IHU và Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo đó, quan chức của WHO khẳng định, biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2 chưa trở thành mối đe dọa lớn kể từ khi lần đầu tiên được phát hiện ở Pháp vào tháng 11/2021. Hiện WHO "đã để mắt tới" IHU và sẽ chỉ xác định đây là "biến thể đáng lo ngại" (VOC) nếu nhận thấy nguy cơ nghiêm trọng.

Nghiên cứu cho thấy, biến thể IHU do có tới 46 đột biến – nhiều hơn biến thể Omicron được phát hiện có 32 đột biến ở protein gai. Tuy nhiên, biến thể IHU lại dường như không có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt so với biến thể Omicron xuất hiện cùng khoảng thời gian nhưng nay đã lây lan ra hơn 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Liên quan tới biến chủng Omicron, ông Mahamud cho biết, ngày càng thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đây. Theo đó, biến thể này có ảnh hưởng đến đường hô hấp trên thay vì tác động đến phổi như các biến thể trước.

Chuyên gia này cho rằng các thông tin nêu trên là tích cực. Tuy nhiên, với khả năng lây nhiễm cao, Omicron có thể trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều nước trong vài tuần tới và đây là mối đe dọa với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng không cao.

Những thông tin về các biến chủng mới được quan chức WHO đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến “sự gia tăng” chóng mặt của các ca nhiễm mới COVID-19. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, tính đến sáng 9/1, thế giới vượt ngưỡng 305 triệu ca nhiễm và trên 5,5 triệu ca tử vong vì COVID-19.

Bạo loạn lan rộng ở Kazakhstan

 Các binh sỹ của quân đội Kazakhstan đứng bên cạnh một chiếc xe ô tô bị đốt cháy tại Almaty. Ảnh: Reuters

Biểu tình ở Kazakhstan nổ ra khi giá nhiên liệu tăng cao, kết hợp với nỗi bức xúc của người dân với nạn tham nhũng, làm bùng phát bạo loạn. Ngay từ những ngày đầu năm mới, Kazakhstan đối mặt với làn sóng bất ổn, khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy quốc gia Trung Á vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại quảng trường chính của Almaty bất chấp sự hiện diện của xe thiết giáp chở quân và hàng chục binh sĩ. Ngày 6/1, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết ít nhất 8 nhân viên thực thi pháp luật đã thiệt mạng trong các vụ bạo loạn trên toàn quốc, trong khi Bộ Y tế nói rằng hơn 1.000 người đã bị thương trong những ngày bất ổn gia tăng. Nội các của Thủ tướng Askar Mamin đã đồng loạt từ chức sau khi biểu tình bùng phát. Trước tình huống trên, chính phủ Kazakhstan buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, hạn chế di chuyển tại ba thành phố lớn và 14 tỉnh, dự kiến đến ngày 19/1

Với hy vọng xoa dịu bất ổn trong nước, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, nhằm hỗ trợ Kazakhstan đối phó "các nhóm khủng bố được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài". Sau khi nhận được đề nghị của Kazakhstan, Nga đã huy động 75 vận tải cơ hoạt động suốt ngày đêm để cấp tập vận chuyển 3.000 binh sĩ tinh nhuệ cùng nhiều thiết giáp, khí tài đặc chủng của lực lượng đổ bộ đường không tới nước này. Ngày 8/1, Tổng thống Tokayev bác bỏ lời kêu gọi đối thoại với người biểu tình và tuyên bố sẽ tiêu diệt “những kẻ cướp bóc có vũ trang”, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi liên minh do Moscow dẫn đầu điều lực lượng đến giúp khôi phục trật tự.

Các cuộc biểu tình lớn ở Kazakhstan hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Ngày 5/1, Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo và những người biểu tình ở Kazakhstan kiềm chế bạo lực và thúc đẩy đối thoại.

OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ

 OPEC+ nhất trí tiếp tục nới lỏng van dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng OPEC + diễn ra ngày 4/1 đã đạt được sự đồng thuận tiếp tục nới lỏng van dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2, với nhận định biến chủng Omicron nhiều khả năng sẽ không kìm hãm được các hoạt động kinh tế. Những số liệu trên thực tế cũng cho thấy các hoạt động giao thông của thế giới hầu như không thay đổi, bất chấp sự lan rộng của Omicron.

Hiện OPEC+ đang tiến hành bù đắp nguồn cung thiếu hụt sau quyết định cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày vào năm 2020 để hỗ trợ ngành năng lượng toàn cầu rơi vào cảnh hụt nhu cầu trầm trọng vì đại dịch COVID-19. Điều đó đồng nghĩa với việc từ nay cho đến tháng 9/2022, tổ chức này còn phải bù đắp mức sản lượng 3 triệu thùng/ngày đã bị cắt giảm.

Hãng tin Reuters cho biết Nhà Trắng chào đón kế hoạch nâng sản lượng dầu mỏ của OPEC+, coi đây là một bước đi sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc OPEC+ “xả van dầu” thêm 400.000 thùng/ngày sẽ không đủ để giúp hạ nhiệt giá "vàng đen" và cũng khó thực hiện ngay trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Theo tính toán, OPEC+ nhiều khả năng sẽ chỉ cung cấp được thêm 250.000 thùng/ngày trên thực tế. Nhận định này được cho là có nhiều cơ sở khi các nước xuất khẩu dầu lớn như Nga, Venezuela, Libya hay Nigeria hiện đều đang gặp khó trong việc nâng sản lượng vì nhiều lý do khác nhau.

Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa siêu thanh

 Triều Tiên vừa tuyên bố phóng thử thành công tên lửa siêu thanh. Ảnh: KCNA 

Ngày 6/1, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử thành công tên lửa "siêu thanh" vào một ngày trước đó. Hành động phô diễn lực lượng đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm 2022 diễn ra chỉ ít lâu sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử đầu tiên tên lửa siêu thanh Hwasong-8 vào tháng 9 năm ngoái.

Thông tin chi tiết về vụ phóng, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, sau khi được tách ra, quả tên lửa đã di chuyển theo chiều ngang 120 km trong cự ly bay của đầu đạn siêu thanh từ phương vị phóng ban đầu đến phương vị mục tiêu và đánh trúng mục tiêu đã định cách đó 700 km. Tuy nhiên, tốc độ bay của tên lửa đã không được tiết lộ.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không trực tiếp theo dõi vụ phóng.

Vụ phóng tên lửa ngày 5/1 được Triều Tiên thực hiện trong vòng chưa đầy 1 tuần kể từ sau thời điểm kết thúc phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, đưa ra cam kết tiếp tục nâng cao năng lực quân sự trong bối cảnh tình hình thế giới đang ngày càng trở nên thiếu ổn định.

Ngay lập tức, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tỏ rõ quan ngại về vụ phóng tên lửa, đồng thời tuyên bố sẽ xem xét nghiêm túc năng lực quân sự của Triều Tiên. Trong tuyên bố đưa ra ngày 5/1, Mỹ và Hàn Quốc đã lên tiếng hối thúc Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới