Tuần qua (7-13/2), bên cạnh những thông tin mới về tình hình đại dịch COVID-19, biến động giá dầu và vấn đề Ukraine, thế giới đón nhận những thông điệp từ Mỹ và các nước trong nhóm “Bộ tứ”, phản ánh quyết tâm vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Tàu chiến Mỹ tập trận cùng các tàu của hải quân Australia và Nhật Bản (Ảnh: Hải quân Mỹ). |
Ngày 11/2 (giờ Mỹ), Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong một phần nỗ lực nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này.
Trong chiến lược, Chính quyền của Tổng thống J.Biden cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế.
Trong số những hành động dự kiến được tiến hành trong 12-24 tháng tới, Chính quyền của Tổng thống J.Biden cho biết Washington sẽ củng cố khả năng răn đe trước những động thái gây hấn quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác.
Chiến lược có đoạn nêu rõ: “Dưới thời Tổng thống J.Biden, Mỹ quyết tâm tăng cường vị thế dài hạn của chúng tôi và những cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chú trọng mọi khu vực tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á, từ Nam Á tới châu Đại Dương, bao gồm các hòn đảo tại Thái Bình Dương.”
Việc công bố tài liệu diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm nhấn mạnh ưu tiên của Mỹ đối với khu vực. Tinh thần vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng được khẳng định rõ nét trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước “Bộ tứ,” với sự tham dự của Ngoại trưởng Australia, bà Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Melbourne (Australia) ngày 11/2.
Trong tuyên bố chung, 4 ngoại trưởng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm đối phó các thách thức về vấn đề an ninh trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các bên khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trong lĩnh vực hàng hải là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhóm “Bộ tứ” khẳng định quyết tâm tăng cường tham gia sâu rộng với các đối tác trong khu vực, bao gồm thông qua nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải; hỗ trợ các đối tác này trong việc phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với UNCLOS 1982; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; đối phó với các thách thức như đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát; đồng thời thúc đẩy an toàn và an ninh của các tuyến thông tin liên lạc trên biển.
Giai đoạn mới của đại dịch đang đến gần?
Hành khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở TP Pasay - Philippines ngày 10/2. (Ảnh: Reuters) |
Trong tuần qua, tiếp tục có thêm quốc gia thông báo mở cửa lại hoặc nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nhập cảnh, trong đó có cả những nước từng kiểm soát biên giới vô cùng chặt chẽ để đối phó dịch COVID-19. Các nước này phát đi tín hiệu cho thấy họ không còn có thể hoặc sẵn sàng chịu đựng những thiệt hại kinh tế do việc đóng cửa đất nước.
Kể từ ngày 10/2, Philippines mở cửa trở lại với du khách nước ngoài, sau gần 2 năm đóng cửa biên giới nhằm khống chế sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng. Trong khi đó, giới chức Malaysia cũng đã đề nghị chính phủ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất là vào ngày 1/3 tới. Du khách có thể không phải cách ly, tương tự chính sách của Thái Lan và Singapore.
Ngày 7/2, Australia thông báo kế hoạch mở cửa trở lại biên giới từ ngày 21/2 đối với tất cả du khách đã tiêm chủng, đánh dấu sự kết thúc chính sách được gọi là "Pháo đài Australia," theo đó đóng cửa biên giới đối với cả du khách nước ngoài lẫn công dân. Động thái tương tự cũng diễn ra tại New Zealand khi nước này công bố kế hoạch chào đón những du khách quốc tế đã tiêm chủng.
Còn tại châu Âu, một số quốc gia còn tính nới lỏng hơn nữa quy định nhập cảnh sau khi đã mở cửa cho du khách quốc tế. Các nước như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển… đã công bố kế hoạch bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine. Riêng Thụy Điển hôm 9/2 dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng chống dịch và xét nghiệm COVID-19, ngay cả khi các nhà khoa học khuyến cáo cần kiên nhẫn hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallengren nhấn mạnh COVID-19 sẽ không còn được xem là gây nguy hiểm cho cộng đồng tại nước này.
Sự lây lan của biến thể Omicron trên thế giới - cả ở những nước mở cửa và đóng cửa - đang khiến nhiều người băn khoăn về hiệu quả của chính sách hạn chế biên giới. Thêm vào đó, hơn 54% dân số thế giới hiện đã được tiêm phòng (theo trang Our World in Data) trong lúc các phương pháp điều trị có thể ngăn chặn và chữa trị thành công ca bệnh nặng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở những ca nhiễm bệnh. Nhiều chuyên gia hiện đang "lạc quan thận trọng" - như cố vấn y tế hàng đầu của Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci, nhận định rằng có thể sắp đến giai đoạn mới của đại dịch.
Trong bối cảnh trên, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan, ngày 11/2 tiếp tục phát thông điệp kêu gọi các nước hành động thận trọng. Theo bà, đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới hơn 2 năm qua vẫn chưa thể kết thúc do có thể sẽ có thêm biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tình hình Ukraine
Từ trái qua: Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 8/2 ở Berlin. (Ảnh: EPA) |
Tuần qua cũng chứng kiến nỗ lực ngoại giao con thoi của nhiều nước trong hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine. Dù còn mờ nhạt, song các tín hiệu tích cực giải quyết khủng hoảng đang dần hé lộ, giúp đẩy xa nguy cơ về một cuộc chiến tranh đang cận kề.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ba Lan đã gặp nhau tại Berlin trong ngày 8/2 và thống nhất lập trường chung.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sau vòng đàm phán con thoi với các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức cho biết, trong cuộc gặp, các bên đều nhấn mạnh mục tiêu chung là “tránh một cuộc chiến tranh ở châu Âu.”
Về phần mình, Tổng thống Macron kêu gọi đối thoại "không chùn bước" với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine
"Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm cách thức và phương tiện để đối thoại với Nga... vì đây là con đường duy nhất cho giải pháp hòa bình ở Ukraine," nhà lãnh đạo Pháp nói sau chuyến công du con thoi 2 ngày ở Moscow và Kiev.
Tổng thống Ba Lan Duda cũng nêu rõ các bên cần “tìm ra giải pháp để tránh chiến tranh vì đây là nhiệm vụ chính hiện nay”. Ông bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được kết quả nhưng điều quan trọng nhất là phải có được sự thống nhất và đoàn kết.
Quan hệ Nga - phương Tây leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga sẽ triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, Nga luôn bác bỏ điều này và khẳng định không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moscow cáo buộc NATO đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Giá dầu giảm do kỳ vọng đàm phán hạt nhân Iran
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters) |
Sau khi ghi nhận tăng 7 tuần liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, trong tuần qua, giá dầu thế giới đã “tạm hạ nhiệt”và rời khỏi "mức đỉnh" sau 7 năm nhờ kỳ vọng vào tiến triển tích cực của đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ.
Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 10/2 sau thông tin dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ giảm cùng tâm lý thận trọng của giới đầu tư về khả năng kết quả tích cực của vòng đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran sẽ giúp tăng mạnh nguồn cung dầu toàn cầu. Giá dầu Brent giảm 7 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống 91,48 USD/thùng, trong khi đó giá dầu WTI của Mỹ sụt 4 xu Mỹ về còn 89,62 USD/thùng. Giá hai mặt hàng dầu này đã lao dốc khoảng 2% trong phiên 8/2 khi Mỹ nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng bởi báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!