Tuần qua (17 – 23/1/2022), thế giới tiếp tục chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh nỗ lực của Nga – Mỹ nhằm “tháo ngòi nổ” căng thẳng Ukraine song chưa đạt được kết quả; cùng với đó là việc giá dầu thô tăng cao, Triều Tiên phóng thử hai tên lửa, hay Tổng thống Joe Biden kết thúc năm nhiệm kỳ đầu tiên với số phiếu tín nhiệm thấp…
Nga – Mỹ: Nỗ lực “tháo ngòi nổ” căng thẳng Ukraine
Ngoại trưởng Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Antony Blinken tại cuộc gặp hôm 21/1. (Ảnh: AFP) |
Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng về cuộc khủng hoảng Ukraine, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Blinken hôm 21/1 đã có cuộc hội đàm kéo dài 90 phút tại Geneva, Thụy Sĩ, về các vấn đề an ninh. Cuộc gặp diễn ra khi Nga và Mỹ cũng như NATO trong tháng này tiến hành các cuộc đàm phán căng thẳng về vấn đề an ninh, nhưng không đạt được bước đột phá nào. Phía Nga trước đó cảnh báo sự kiên nhẫn đang cạn dần, đồng thời cáo buộc Mỹ và NATO đang kích động căng thẳng trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết đối thoại giữa hai nước vẫn tiếp tục liên quan đến các đề xuất an ninh của Nga và Washington đã nhất trí phản hồi bằng văn bản về các đề xuất trên vào tuần tới. Ông hy vọng điều này có thể giúp hạ nhiệt phần nào căng thẳng tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định Moscow không gây bất kỳ đe dọa nào đối với nước láng giềng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đánh giá cuộc đối thoại vừa diễn ra là cởi mở và hữu ích, đồng thời khẳng định Moscow không có kế hoạch tấn công Ukraine. Ông cũng khẳng định Tổng thống Vladimir Putin luôn sẵn sàng tiếp xúc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, song bất kỳ cuộc tiếp xúc nào cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra “thẳng thắn và thực chất”. Theo ông, phía Mỹ đã đưa ra một số đề xuất tăng cường an ninh và những vấn đề mà hai bên có thể tìm thấy điểm chung. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ chia sẻ ý tưởng bằng văn bản với Nga vào tuần tới, đồng thời hy vọng có thêm các biện pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine sau cuộc hội đàm này tại Geneva. Ông nêu rõ: “Chúng tôi không mong đợi bất kỳ đột phá lớn nào trong ngày hôm nay, nhưng tôi tin rằng chúng tôi hiện đang trên đường hiểu được mối quan tâm của nhau cũng như quan điểm của nhau”. Tại hội đàm, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề Iran, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là ví dụ về cách thức Moscow và Washington có thể làm việc với nhau đối với các vấn đề an ninh.
Theo ông, vẫn còn cơ hội để khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015. Trong khi đó, hãng tin RIA dẫn nguồn phái đoàn Nga tham dự cuộc hội đàm tại Geneva cho biết Moscow và Mỹ có thể tổ chức cuộc gặp tiếp theo vào tháng tới để thảo luận các đề xuất của Moscow về đảm bảo an ninh. Moscow sẽ có vài tuần nghiên cứu các phản hồi của Washington đối với các đề xuất trên, mà phía Mỹ dự kiến đưa ra vào tuần tới.
Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng, đình chỉ bay lẫn nhau
Máy bay của Hãng hàng không Xiamen Airlines tại Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 21/1, Mỹ thông báo tạm dừng 44 chuyến bay chở khách Trung Quốc từ Mỹ tới nước này để phản đối những biện pháp hạn chế mà Bắc Kinh áp dụng với các hãng hàng không của Mỹ theo quy định phòng dịch COVID-19.
Trung Quốc hiện vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt, trong đó có việc cắt giảm các chuyến bay quốc tế đến và chính sách "ngắt mạch" cho phép tạm dừng khai thác một tuyến bay nếu có quá nhiều ca bệnh ghi nhận trong các chuyến bay theo tuyến đó.
Giới chức quản lý hàng không Trung Quốc cũng từng áp dụng chính sách này để hủy các chuyến bay của một số hãng hàng không Mỹ như American, Delta và United Airlines sau khi phát hiện các hành khách đi trên các chuyến bay của các hãng này dương tính với virus khi đến dù có kết quả âm tính khi khởi hành.
Trong chỉ thị mới đưa ra, Bộ Giao thông Mỹ cho rằng các biện pháp trên làm gián đoạn hoạt động của các hãng hàng không Mỹ dù họ đã đảm bảo mọi quy trình an toàn khi vận hành chuyến bay và ảnh hưởng đến hành khách. Do đó, bộ trên quyết định thực hiện hành động đối ứng để khắc phục tổn hại.
44 chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Xiamen Airlines vận hành sẽ không được thực hiện lịch trình đã dự kiến từ ngày 30/1 đến 29/3.
Bộ Giao thông vận tải Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc là "bất lợi cho lợi ích công cộng và đảm bảo hành động khắc phục hậu quả tương xứng, đồng thời cho biết sẵn sàng xem xét lại hành động của mình nếu Trung Quốc sửa đổi "các chính sách của họ để mang lại tình hình cải thiện cần thiết cho các tàu bay của Mỹ." Tuy nhiên, nếu Trung Quốc hủy thêm chuyến bay, "chúng tôi có quyền thực hiện thêm các hành động khác".
Ngày 21/1, ông Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết chính sách đối với các chuyến bay chở khách quốc tế đến Trung Quốc "được áp dụng bình đẳng cho các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài một cách công bằng, công khai và minh bạch", nhằm minh chứng Trung Quốc không hề có ý định riêng khi nhằm vào Mỹ. Vì vậy, với động thái đáp trả từ phía nước bạn, ông Lin cho rằng đây là hành động "rất phi lý" và nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngừng gây rối và hạn chế các chuyến bay chở khách bình thường của các hãng hàng không Trung Quốc".
Giá dầu thô lên cao nhất trong hơn 7 năm
Giá dầu thô lên cao nhất trong hơn 7 năm. (Ảnh: CNA) |
Tại phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu thô Brent đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm qua do tâm lý lạc quan về nhu cầu dầu mỏ gia tăng trong khi những quan ngại về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cũng như căng thẳng địa chính trị giảm bớt.
Trên thị trường châu Á, giá dầu Brent đạt mức 86,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2014.
Giá dầu Brent và Tây Texas (WTI) đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trong bối cảnh thế giới dần quay trở lại trạng thái bình thường và tái mở cửa các nền kinh tế sau đại dịch.
Bên cạnh đó, vụ tấn công mà lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện nhằm vào nhà máy lọc dầu ở Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), khiến 3 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương ngày 17/1 vừa qua đã gây ra tâm lý lo ngại về nguồn cung từ khu vực này đã phần nào tác động đến giá dầu.
Cả dầu Brent và dầu WTI đã tăng trên 50% trong năm 2021, nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và các nước sản xuất hạn chế sản lượng.
Mới đây, giới phân tích đã dự báo rằng sau khi tăng trên 50% vào năm 2021, giá dầu thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, có thể lên mức 90 USD/thùng, thậm chí vượt mốc 100 USD/thùng do năng lực sản xuất hạn chế và đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ sụt giảm. Bên cạnh đó, giá dầu toàn cầu được cho là sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi nhu cầu nhiên liệu máy bay gia tăng.
Tổng thống Joe Biden kết thúc năm nhiệm kỳ đầu tiên với số phiếu tín nhiệm thấp
Tổng thống Mỹ Joe Biden trải qua năm đầu tiên với không ít thăng trầm. (Ảnh:Reuters) |
Ngày 20/1 đánh dấu tròn một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dư luận Mỹ nhìn chung đều đánh giá đây là một năm nhiều thăng trầm, trong đó ông phải đối mặt với đại dịch toàn cầu tiếp diễn, lạm phát gia tăng, sự kết thúc của cuộc chiến dài nhất của đất nước tại Afghanistan, việc thông qua luật cơ sở hạ tầng và sự đình trệ của chương trình biểu quyết và xã hội cùng nhiều thách thức khác. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo kỳ cựu này đã phần nào thể hiện được bản sắc riêng trên cương vị Tổng thống, với những dấu ấn nhất định về đối nội và đối ngoại, mặc dù chưa thực sự tương xứng với “tham vọng lớn” như ông đặt ra ngay từ khi bắt đầu cuộc đua giành "ghế nóng" tại Nhà Trắng năm 2020.
Có thể khái quát một số điểm nhấn đối ngoại trong 1 năm đầu cầm quyền của ông Joe Biden trên 3 khía cạnh chính. Trước hết là giành lại vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế như đảm bảo cung ứng vaccine, chống biến đổi khí hậu. Tiếp đến là hàn gắn quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với các đối tác lâu đời ở châu Âu, qua đó giải quyết những tranh chấp thương mại và thúc đẩy các giá trị chung. Thứ ba là thiết lập cơ chế hợp tác Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) và nâng tầm “Bộ tứ” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngay trước thời điểm tròn 1 năm Tổng thống Joe Biden nhậm chức cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với phương thức điều hành của ông có xu hướng giảm, đặc biệt trong một số vấn đề như phục hồi kinh tế, lạm phát. Điều đó phản ánh những thách thức mà Tổng thống Joe Biden phải đối mặt. Kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện cuối tuần trước cho thấy 45% người Mỹ trưởng thành được hỏi bày tỏ hài lòng về phương thức điều hành của ông Joe Biden, trong khi 50% cho biết không hài lòng. Theo kết quả thăm dò mới nhất của projects.fivethirtyeight.com, tỷ lệ ủng hộ cách điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden trong năm qua là 42,3% tỷ lệ phản đối là 52,4%. Trong khi đó, thăm dò của Quinnipiac công bố trên tờ The Hill đầu tháng này cho biết tỷ lệ người dân Mỹ tán thành các định hướng kinh tế, đối ngoại và chống đại dịch COVID-19 của chính quyền cũng khá thấp, lần lượt là 34%, 35% và 39%. Thăm dò của ABC News/Ipsos tháng trước cho thấy chỉ 28% số người được hỏi ủng hộ cách ông Joe Biden xử lý vấn đề lạm phát, trong khi đa số (69%) không ủng hộ.
Tại buổi họp báo đánh dấu 1 năm cầm quyền, ngày 19/1, Tổng thống Joe Biden đã nêu kế hoạch gồm 3 phần để thúc đẩy kinh tế và kiểm soát lạm phát, bao gồm: Nối lại chuỗi cung cứng, thông qua kế hoạch chi tiêu xã hội được biết đến với tên gọi “Buil Back Better” (Xây dựng lại tốt hơn) và thúc đẩy cạnh tranh. Về những ý định trong năm 2022, ông Joe Biden cho biết, ông sẽ đối thoại trực tiếp với người dân Mỹ một cách thường xuyên hơn, thay vì phát đi những thông điệp từ Nhà Trắng để người dân có thể đánh giá về nhà lãnh đạo của họ.
Triều Tiên xác nhận phóng thử hai tên lửa dẫn đường chiến thuật
Vụ phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm do Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thực hiện tại một địa điểm chưa xác định. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Sáng sớm 18/1, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật trong vụ thử tiến hành một ngày trước đó nhằm kiểm tra độ chính xác của hệ thống vũ khí này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: “Hai tên lửa dẫn đường chiến thuật được phóng đi từ khu vực miền Tây Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã đánh trúng một mục tiêu trên đảo" ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Học viện Khoa học Quốc phòng của nước này đã xác nhận độ chính xác, độ an toàn và hiệu quả của hệ thống vũ khí đang trong quá trình sản xuất.
Trước đó, sáng 17/1, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết đã phát hiện 2 vật thể bay được phóng đi từ khu vực sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng. JSC nhận định đây có thể là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bay xa khoảng 380 km ở độ cao 42km.
Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã họp khẩn. Phủ Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ các thành viên của NSC đã thảo luận kỹ lưỡng khi các vụ việc đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra. Theo phía Hàn Quốc, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ phóng trong năm 2022.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết 2 vật thể bay mà Triều Tiên phóng đi sáng 17/1 có thể đã rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Theo ông, các vật thể bay này có thể đạt độ cao tối đa khoảng 50 km so với mặt nước biển và bay được khoảng 300 km nếu chúng bay theo quỹ đạo thông thường.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị các quan chức trong chính phủ Nhật Bản cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho người dân về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, kiểm tra sự an toàn của tàu thuyền và máy bay, cũng như tiến hành tất cả biện pháp để sẵn sàng ứng phó với tình huống bất ngờ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!