Ảnh minh hoạ (Nguồn: Health Line) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã phân loại biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên cho biến thể này là Omicron. Theo đó, WHO xác định, có những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19. Biến thể Omicron có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại. Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các biến thể khác. Hiện các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.
Các nhà khoa học cho biết Omicron có số lượng đột biến cao bất thường có thể giúp biến thể này né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể, đồng thời làm tăng khả năng lây lan. Bất kỳ biến thể mới nào có thể “né” vaccine hoặc có tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể Delta đều là mối tiềm ẩn nguy hiểm đối với nhân loại. Như vậy, ngoài 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta, thế giới hiện nay lại phải đối mặt với sự xuất hiện của biến thể đáng quan ngại thứ năm là Omicron.
Việc phát hiện biến chủng mới đã làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu, thúc đẩy làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại và bán tháo trên thị trường tài chính trong những ngày qua, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần 2 năm.
Các nước trên thế giới đang chạy đua để khống chế nguy cơ bùng phát dịch sau khi biến chủng mới xuất hiện. Hàng loạt quốc gia, từ Mỹ, Anh, Nga cho tới Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore) đã siết lệnh hạn chế du khách từ các nước ở phía nam châu Phi. Oman, Kuwait, Hungary, Sri Lanka, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada cũng áp dụng biện pháp tương tự. Israel ngày 27/11 thông báo cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, trở thành nước đầu tiên đóng hoàn toàn biên giới để đối phó biến chủng Omicron.
Hội nghị ASEM 13: Kết nối hợp tác vì lợi ích chung
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 được tổ chức theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Mạnh Tuân/PV TTXVN tại Kuala Lumpur) |
Đại diện của 30 quốc gia châu Âu và 21 quốc gia châu Á, cùng với các tổ chức đa quốc gia như Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) kéo dài hai ngày 25-26/11 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện chính là Tuyên bố Chủ tịch ASEM-13, Tuyên bố Phnom Penh về phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19, Chính sách thúc đẩy kết nối Á-Âu.
Trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEM đã thảo luận về các giải pháp ứng phó dịch bệnh, sớm phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Hội nghị đã đưa ra giải pháp cụ thể trong ứng phó dịch bệnh như tạo thuận lợi cho lưu thông các mặt hàng thiết yếu và tiếp cận vaccine kịp thời, chuyển giao công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
Bên cạnh các giải pháp kinh tế vĩ mô, duy trì chuỗi cung ứng bền vững, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo ASEM đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối Á - Âu, coi đây là một trọng tâm hợp tác của ASEM trong giai đoạn tới; nhất trí thúc đẩy kết nối toàn diện cả về hạ tầng, thể chế và con người. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có, sức ép phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng ngày càng cấp thiết, sự phối hợp chính sách và hành động của những cơ chế hợp tác đa phương quy mô lớn như ASEM được đánh giá là hết sức cần thiết.
Thông điệp hợp tác cùng vượt qua thách thức đã được các nhà lãnh đạo nêu bật tại hội nghị. Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động chưa từng có đối với cuộc sống của con người và nền kinh tế-xã hội các nước thành viên ASEM. Để giải quyết những thách thức này, các nhà lãnh đạo ASEM nhất trí rằng đoàn kết, hợp tác quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương chính là chìa khóa dẫn tới thành công.
Các chính đảng tại Đức hoàn tất thỏa thuận thành lập chính phủ
Ông Olaf Scholz tặng hoa cho Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel trước cuộc họp nội các ở Berlin, Đức, ngày 24/11/2021 (Ảnh: AFP/TXVN) |
Hai tháng sau khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức, ngày 24/11, liên minh "đèn giao thông" (đỏ - vàng - xanh) gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng về nhất trong cuộc bầu cử ngày 26/9 vừa qua, cùng đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh tuyên bố cơ bản hoàn tất thỏa thuận thành lập chính phủ, nhất trí bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi, kế nhiệm bà Angela Merkel giữ cương vị thủ tướng Đức.
Như vậy, với việc các bên giải quyết được một số bất đồng liên quan đến chính sách tài chính, khí hậu và các vị trí trong chính phủ, Đức có thể sẽ có một chính phủ liên minh mới trước Giáng sinh.
Trong phiên họp cuối cùng ngày 24/11 (giờ địa phương), 21 đại diện của ba đảng gặp nhau để kết thúc đàm phán. Các bên đã mời báo chí tham gia họp báo ngay trong chiều cùng ngày, cũng là thời điểm các nhà lãnh đạo đảng công bố thỏa thuận liên minh đã đàm phán trong những tuần qua. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng vẫn phải được xác nhận tại các đại hội bất thường của SPD và FDP. Riêng đảng Xanh thông qua việc lấy ý kiến của các đảng viên.
Cũng theo các nguồn tin trên, hiện đại diện 3 đảng đều mong muốn Quốc hội Liên bang (Hạ viện) tiến hành bỏ phiếu bầu ứng cử viên Olaf Scholz của SPD làm thủ tướng vào tuần thứ 2 của tháng 12 để chính phủ mới có thể sớm bắt đầu công việc. Nếu lộ trình diễn ra đúng kế hoạch, SPD sẽ lần đầu tiên lên nắm quyền tại Đức sau 16 năm Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) lãnh đạo đất nước.
Mỹ, Anh, Australia ký thỏa thuận đầu tiên trong AUKUS
Một chiếc tàu ngầm của Australia (Ảnh: Reuters) |
Ngày 22/11, Australia, Mỹ và Anh đã chính thức ký thỏa thuận cho phép trao đổi thông tin về động cơ đẩy hạt nhân dùng trong hải quân. Đây là một phần trong Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên (AUKUS). Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ và Anh chia sẻ những thông tin nhạy cảm này cho một nước thứ ba. Với việc thực thi thỏa thuận này, Australia sẽ trở thành quốc gia phi hạt nhân đầu tiên sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ có 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại với khả năng thực hiện các nhiệm vụ tàng hình, tầm xa. AUKUS sẽ tạo nền tảng để 3 nước chia sẻ thông tin an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và năng lực không xác định dưới biển.
Thủ tướng Australia cho biết, các tàu ngầm sẽ được đóng tại nước này với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định nước này sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận AUKUS đã khiến Pháp nổi giận khi hợp đồng tàu ngầm Pháp - Australia ước tính hơn 65 tỉ USD bị hủy bỏ. Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh rằng động thái này là vì lợi ích quốc gia dù biết quyết định trên sẽ vấp phải phản ứng từ Pháp. Về phía Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Australia bồi thường vì đã hủy hợp đồng tàu ngầm./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!