Phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết với điều kiện là Đại hội đồng sẽ họp trong trường hợp có sự phủ quyết của Hội đồng Bảo an. (Ảnh: UN)

Ngày 26/4, 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết nhằm yêu cầu 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an phải giải trình khi họ sử dụng tới quyền phủ quyết để cản trở các quyết định của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được gần 100 nước ủng hộ và bảo trợ trước khi được đưa ra Đại hội đồng lấy ý kiến. Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ có quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, một quyền được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và được trao cho họ vì vai trò chủ chốt của họ trong việc thành lập Tổ chức. Sau khi nghị quyết được đồng thuận thông qua vào ngày 26/4, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ kích hoạt một cuộc họp của Đại hội đồng, nơi tất cả các thành viên của Liên hợp quốc có thể xem xét và bình luận về quyền phủ quyết.

Phát biểu thay mặt cho 83 quốc gia đồng bảo trợ nghị quyết, Đại sứ Liechtenstein tại Liên hợp quốc, Christian Wenaweser, đã trình bày dự thảo có tên “Quyền hạn thường trực đối với cuộc tranh luận của Đại hội đồng khi có quyền phủ quyết đối với Hội đồng Bảo an”, được thông qua mà không có biểu quyết.

Nghị quyết, sẽ có hiệu lực ngay lập tức, đặc biệt ưu tiên cho các quốc gia có quyền phủ quyết trong danh sách các diễn giả cho cuộc tranh luận sau đó của Đại hội đồng, do đó mời họ báo cáo về các tình huống khiến quốc gia có quyền phủ quyết.

Mặc dù không thay đổi được quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an nhưng nghị quyết này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch của Hội đồng Bảo an và buộc các nước có quyền phủ quyết phải thận trọng hơn khi sử dụng tới quyền lực này.

Kể từ năm 1946 tới nay, quyền phủ quyết của ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đã được sử dụng 295 lần, trong đó Nga là nước sử dụng quyền này nhiều nhất với 143 lần. Trong cơ chế hiện nay của Liên hợp quốc, chỉ cần một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an dùng tới quyền phủ quyết thì Hội đồng Bảo an không thể ra được quyết sách gì cho dù đối với vấn đề khẩn cấp.

Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp

Ông Macron phát biểu trước người ủng hộ trong một sự kiện diễn ra ở thủ đô Paris tối 24/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)  

Sáng 25/4, Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả bầu cử Tổng thống sau khi việc kiểm phiếu được hoàn tất, với kết quả giúp đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo toàn vị trí để tiếp tục lãnh đạo nước Pháp thêm nhiệm kỳ 5 năm tới.

Theo các con số chính thức cuối cùng được Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp công bố trong chiều 27/4, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận được tổng cộng 58,55% số phiếu bầu và tái đắc cử chức vụ Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022 - 2027. Bà Marine Le Pen nhận được 41,45% số phiếu.

Nhiệm kỳ mới của ông Macron sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 14/5/2022.

Ngay sau khi kết quả thăm dò được đưa ra, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris trước những người ủng hộ. Ông cam kết sẽ thay đổi và xoa dịu sự giận dữ của những người đã bỏ phiếu cho phe cực hữu. Tổng thống Macron nhấn mạnh ông không phải là ứng cử viên của một phe phái nào mà là "Tổng thống của tất cả mọi người”, khẳng định sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới. 

Nhà lãnh đạo đảng cực hữu của Pháp, bà Le Pen cũng đã thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, bà gọi đây là một "chiến thắng rực rỡ" và khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục "cuộc chiến chính trị chống lại" Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 6 tới.

Ngay sau khi ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trước đối thủ Marine Le Pen trong cuộc bầu cử hôm 24/4, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã gửi thông điệp chúc mừng tới tân Tổng thống Pháp, với nội dung ca ngợi việc ông Macron tái đắc cử là chiến thắng "cho sự liên kết châu Âu".

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với ông Macron hiện nay là cuộc xung đột tại Ukraine đã và đang làm đảo lộn cấu trúc an ninh, trật tự địa chính trị cũng như các tính toán chiến lược tại châu Âu. Thêm vàoo đó, thách thức còn đến từ cả mặt trận đối nội khi gần 42% cử tri Pháp ủng hộ bà Le Pen là một lời cảnh báo sâu sắc rằng nước Pháp đang bị chia rẽ mạnh và hàng chục triệu cử tri Pháp đang bất mãn. Ông Macron sẽ phải lắng nghe, thừa nhận và sửa chữa những sai lầm chính sách đối nội, như vấn đề sức mua, chất lượng sống, an ninh… chứ không chỉ tập trung vào hoạt động đối ngoại.

Nga cắt nguồn cung khí đốt sang Ba Lan, Bulgaria

Ảnh minh họa (Nguồn: IBNA/TTXVN) 

Các quan chức Ba Lan và Bulgaria cho biết Nga thông báo sẽ đình chỉ việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các quốc gia này do không tuân thủ quy ước thanh toán bằng đồng ruble được Moscow thông qua cuối tháng 3. Đây là hai quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu cắt nguồn cung kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.

Cụ thể, trong tuyên bố ngày 27/4, Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom (Nga) đã thông báo tới hai cơ quan năng lượng Bulgargaz (Bulgaria) và PGNiG (Ba Lan) về quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho hai nước này. Công ty cũng nêu rõ quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble theo điều khoản mới.

Đây là động thái mạnh tay đầu tiên của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi tuyên bố sẽ chỉ xuất khẩu khí đốt nếu các “quốc gia không thân thiện” chuyển đổi thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga. Theo giới chuyên gia, đây vừa là cách giúp Nga củng cố đồng nội tệ, vừa nhằm đáp trả các nước láng giềng châu Âu về các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt sang hai quốc gia Ba Lan và Bulgaria, đã có 10 doanh nghiệp và 4 quốc gia EU chấp thuận việc thanh toán hoá đơn năng lượng bằng ruble và mở tài khoản tại Gazprombank. Một số công ty năng lượng lớn của châu Âu cũng đang chuẩn bị sử dụng một hệ thống thanh toán mới cho khí đốt của Nga theo yêu cầu của Điện Kremlin, điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ làm giảm tác động các lệnh trừng phạt của EU, đe dọa sự thống nhất của khối và cung cấp hàng tỷ USD tiền mặt cho nền kinh tế Nga.

Triều Tiên sẽ tăng cường phát triển kho vũ khí hạt nhân

 Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh cùng các tướng lĩnh quân đội. (Ảnh: Yonhap) 

Theo Reuters/Yonhap, ngày 26/4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố trên được ông Kim Jong-un đưa ra hôm 25/4 trong bài diễn văn tại lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên, với sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17.

Trong bài diễn văn, ông Kim Jong-un cam kết tăng cường năng lực hạt nhân của Triều Tiên với “tốc độ nhanh nhất,” đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng sử dụng “sức mạnh răn đe” hạt nhân bất cứ lúc nào. Ông cảnh báo bất kỳ thế lực nào tìm kiếm đối đầu quân sự sẽ không còn tồn tại.

Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KNCA) ngày 17/4 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đã thị sát vụ bắn thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới.

Theo KCNA, vũ khí mới thử nghiệm có ý nghĩa lớn trong việc cải thiện mạnh mẽ hỏa lực của các đơn vị pháo tầm xa ở tiền tuyến cũng như củng cố hiệu quả hoạt động của hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên và đa dạng hóa các sứ mệnh tác chiến./.