Toà trọng tài thường trực PCA công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016. (Nguồn: PCA) 

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển bao phủ 80% diện tích Biển Đông có ý nghĩa lớn trong tiến trình pháp lý ở Biển Đông. Đây là nội dung chính của báo cáo chuyên đề “Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông: Có hay không ánh sáng cuối đường hầm, hoặc triển vọng giải quyết xung đột” của Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova. 

Báo cáo cho rằng phán quyết được đưa ra dựa trên các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định tính cần thiết của việc tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc trong khu vực tranh chấp trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bản báo đánh giá cao sự tích cực của một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết tranh chấp, đề cao tầm quan trọng của sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh khu vực.

Cũng tròn 5 năm sau khi Tòa Trọng tài thành lập theo UNCLOS năm 1982 ra phán quyết lịch sử về Biển Đông nghiêng về phía Philippines, Mỹ và nhiều nước cũng đã ra tuyên bố ủng hộ phán quyết, đồng thời khẳng định yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Theo đó, Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).

Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS 1982. 

Báo động dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á

Dịch bệnh ở Indonesia đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: The Jakarta Post) 

Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường cùng với sự xuất hiện của các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn. Tính đến sáng hôm nay (18/7), thế giới ghi nhận 190.782.223 ca nhiễm COVID-19, với 4.098.996 ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc mới trên toàn thế giới đã tăng 14%, 8/11 quốc gia Đông Nam Á có ca số ca mắc gia tăng.

Trong số đó, tình hình dịch bệnh ở Indonesia là đáng lo ngại nhất khi có ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất châu Á và cả thế giới. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Để đối phó với tình hình cấp bách này, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này.

Cũng trong tuần qua, Malaysia và Thái Lan liên tiếp lập kỷ lục buồn về số ca nhiễm cũng như số ca tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Myanmar, Campuchia… cũng vẫn chưa kiểm soát được dịch COVID-19. Bức tranh ảm đạm này cho thấy diễn biến đại dịch tại khu vực thay đổi hẳn so với năm ngoái, khi mà nhiều quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu thế giới về thành tích kiềm chế dịch bệnh.

Theo tờ Diplomat, có thể là do hơi chủ quan với thành công ban đầu mà khu vực Đông Nam Á giờ đây đang chìm trong khủng hoảng, có nguy cơ trở lại trạng thái bình thường muộn nhất thế giới. Để khắc phục tình trạng trên, Đông Nam Á cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine khi tỷ lệ này vẫn thấp so với thế giới.

Hơn 10.000 loài động thực vật tại Amazon có nguy cơ tuyệt chủng

Nhiều loài động thực vật có nguy cơ  tuyệt chủng do rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Hơn 10.000 loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao do rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá và 35% trong số này đã bị chặt phá hoặc đang suy thoái. Đây là nội dung bản thảo một báo cáo quan trọng của Hội đồng khoa học Science Panel for the Amazon (SPA), được công bố vào ngày 14/7. 

Báo cáo này tổng hợp các nghiên cứu về rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới do 200 khoa học trên toàn cầu thực hiện. Đây là báo cáo đánh giá chi tiết nhất về tình trạng rừng Amazon cho đến nay, đồng thời nêu bật vai trò quan trọng của Amazon đối với khí hậu toàn cầu cũng như chỉ ra những nguy cơ tiềm tàng mà “lá phổi xanh” của Trái Đất đang phải đối mặt.

Theo đó, sự tàn phá của con người vẫn đang tiếp diễn đối với rừng Amazon đã khiến hơn 8.000 loài thực vật đặc hữu và 2.300 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Đến nay, khoảng 18% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá, chủ yếu là do hoạt động nông nghiệp cũng như khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, khoảng 17% diện tích tại đây đang ở trong tình trạng bị suy thoái.

Báo cáo nhấn mạnh rừng nhiệt đới là một bức tường thành quan trọng chống lại biến đổi khí hậu. Do đó, việc giảm nạn phá rừng và tình trạng suy thoái rừng xuống mức 0 trong chưa đầy một thập kỷ "là rất quan trọng". Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi khôi phục trên quy mô lớn đối với các khu vực đã bị phá hủy.

Theo báo cáo, đất và thảm thực vật của Amazon hấp thụ khoảng 200 tỷ tấn carbon, nhiều hơn 5 lần so với lượng khí thải CO2 hàng năm của toàn thế giới. Tuy nhiên, nạn phá rừng có thể đe dọa chức năng hoạt động như một bể chứa carbon của Amazon, từ đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhân dân Cuba quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của hòa bình và thân ái

 Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản và Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez có bài phát biểu chính tại mít-tinh. Ảnh: TTXVN 

Ngày 17/7, khoảng 100.000 người dân thủ đô La Habana đã tập trung tại Diễn đàn Phản đế dọc đại lộ Malecón để bày tỏ quyết tâm bảo vệ cách mạng và chủ quyền Tổ quốc trước những hoạt động gây bất ổn gần đây. Cuộc mít tinh quần chúng do Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản và Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez chủ trì.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Díaz-Canel nhấn mạnh, Cuba không bao giờ là mảnh đất của hận thù mà luôn là Tổ quốc của tình thân ái, hòa bình và đoàn kết, của tất cả mọi người dân Cuba ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Cuba kêu gọi mọi người lao động hãy "đặt trái tim vào sự nghiệp chung" của đất nước, để kế thừa di sản của những người anh hùng đã ngã xuống vì tự do độc lập của đất nước, đồng thời cam kết sẽ rà soát một cách minh bạch những sai lầm có thể đã có trong 2 năm qua, khi quốc đảo Caribe này chịu những sức ép lớn từ tình hình quốc tế bất lợi và đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Cuba một lần nữa lên án những vận động thuộc hình thái "chiến tranh không quy ước" mà các thế lực thù địch bên ngoài phát động, lợi dụng tình hình khó khăn của Cuba, khẳng định đây là nguyên nhân dẫn tới những hành động bạo lực và phi pháp vào ngày 11/7 cũng như những cuộc tấn công tin tặc vào các phương tiện truyền thông và một số bộ, ngành then chốt của Cuba trong vài ngày qua.

Cùng với thủ đô La Habana, nhân dân tại nhiều tỉnh, thành của Cuba cũng đã tổ chức các cuộc mít tinh quần chúng tương tự để đề cao tinh thần yêu nước cách mạng.

Quyết tâm tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 an toàn trong bối cảnh đại dịch

Sân vận động ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN 

Ngày 14/7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết, 85% vận động viên (VĐV) và quan chức tham gia Thế vận hội Tokyo mùa Hè 2020 đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID-19.  

Ngày 17/7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đã lên tiếng trấn an dư luận sau khi ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo và 15 trường hợp dương tính trong số những người nước ngoài tới Nhật Bản trong tháng 7 này có liên quan tới thế vận hội này. 

Tại cuộc họp báo trước đó cùng ngày, Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto xác nhận trường hợp dương tính với COVID-19 đầu tiên tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo và đã được cách ly an toàn. Ông cho biết người này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh khi xuống sân bay, nhưng sau đó lại kết quả dương tính khi kiểm tra sàng lọc tại Làng vận động viên ngày 16/7.

Olympic Tokyo là Thế vận hội mùa Hè đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan trên khắp thế giới. Vì vậy, các nhà tổ chức đang phải đối mặt với các thách thức vô cùng lớn để đảm bảo thành công cho sự kiện thể thao này. Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Tokyo từ ngày 23/7 đến 8/8 tới. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ban tổ chức đã quyết định không cho khán giả vào sân. Ngoài ra, những thành phần tham dự sự kiện thể thao lớn nhất thế giới phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Để chuẩn bị cho lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản đã tăng cường công tác an ninh tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo. Ngày 14/7, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra an ninh toàn diện và bắt đầu triển khai tuần tra 24/7 ở các khu vực trong và ngoài sân vận động này./.