Sự kiện đáng chú ý nhất của thế giới tuần qua là Olympic Tokyo 2020 đã chính thức bắt đầu. Đây được coi là sự kiện của niềm hy vọng và có sức mạnh gắn kết mọi người với nhau, truyền cảm hứng và thể hiện mong ước về một thế giới đoàn kết, khỏe mạnh, an toàn giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.
Olympic Tokyo 2020 – sự kiện của niềm hy vọng
Sau gần 9 năm chuẩn bị, vào lúc 20h tối 23/7 (giờ địa phương - tức 18h cùng ngày, giờ Việt Nam), Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai màn tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Olympic lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới nước này để cổ vũ cho các vận động viên, trong khi các nhà tổ chức cũng không cho phép khán giả trong nước vào các địa điểm thi đấu ở 8 trong số 10 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo.
Olympic Tokyo 2020 đã được chính thức khai mạc vào ngày 23/7. (Ảnh: Reuters) |
Theo Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, có khoảng 11.000 vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự đại hội thể thao này. Đây cũng là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất từ trước tới nay: 33 môn với 339 nội dung.
Việc vẫn quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường là một quyết định khó khăn của các nhà tổ chức, đặc biệt là của nước chủ nhà Nhật Bản. Bởi họ đã phải đấu tranh giữa việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn của hành tinh với sự chuẩn bị kéo dài trong nhiều năm, vừa phải căng mình đối phó trước những nguy cơ đang cận kề của dịch bệnh.
Nhưng nói như người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus: Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vẫn nên được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo ông, thế giới cần Thế vận hội lúc này như một sự kiện của hy vọng. Thế vận hội có sức mạnh để mang cả thế giới lại với nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn.
Mưa lũ nghiêm trọng hoành hành nhiều nước châu Á và châu Âu
Trong những tuần gần đây, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và châu Á. Thời tiết khắc nghiệt kéo theo những thiệt hại lớn về người và tài sản tại các nước này.
Tổng số người thiệt mạng trong đợt lũ lụt nghiêm trọng hoành hành tại Đức trong tháng này đã lên tới 180 người và vẫn còn khoảng 150 người mất tích. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Bỉ cũng ghi nhận 36 người thiệt mạng vì đợt lũ lụt này. Không chỉ Đức, Bỉ, một số quốc gia châu Âu khác như Anh, Ý, Hà Lan, Thụy Sỹ … cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ. Trên khắp châu Âu, hàng trăm người vẫn mất tích và hàng trăm người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa bị phá hủy vì mưa lũ.
Hình ảnh mưa lũ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 20/7. (Ảnh: Xinhua) |
Thảm họa lũ lụt kinh hoàng do mưa lớn từ ngày 20/7 tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, với ít nhất 33 người thiệt mạng và tổn thất kinh tế trực tiếp khoảng 1,22 tỷ Nhân dân tệ, buộc 37.600 người phải sơ tán. Đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất tại tỉnh này trong hơn 50 năm qua. Thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou) hiện vẫn đang phải vật lộn để nối lại nguồn cung cấp điện đầy đủ và khôi phục các hoạt động bình thường.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, ngày 24/7, các lực lượng cứu hộ ở Ấn Độ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân có thể còn sống sót trong 3 vụ sạt lở đất kinh hoàng tại huyện Raigad, phía Nam thành phố Mumbai. Thông báo sơ bộ cho biết đã có 45 người thiệt mạng trong các vụ lở đất này.
Ngày 24/7, giới chức Philippines đã sơ tán khẩn cấp hàng nghìn người dân sống tại các vùng trũng thấp ở thủ đô Manila để đối phó với tình trạng ngập lụt khi mưa bão đang nhấn chìm thành phố và các địa phương lân cận. Trong khi đó, 68 người người thiệt mạng ở bang miền Tây Maharashtra đợt mưa to gây sạt lở đất và lũ lụt tại nhiều khu vực thuộc bang.
Biến thể Delta tiếp tục đe dọa thế giới
Hơn 1 năm sau dịch COVID-19 bùng phát, các nước vẫn đang trong vòng xoáy của các ca mắc mới tăng lên hàng ngày. Đáng lo ngại là sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta. Theo số liệu do WHO công bố ngày 21/7, hiện biến thể Delta đã xuất hiện ở 124 nước trên thế giới, trong đó có 13 nước mới ghi nhận trong tuần này.
Ảnh minh họa về biến thể Delta. (Nguồn: VNVC) |
Cơ quan khu vực châu Âu của WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta của virus corona hiện lây lan tới phần lớn các quốc gia châu Âu. Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6 - 11/7, hai cơ quan trên cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.
Hiện biến thể Delta đang khiến dịch COVID-19 gia tăng trở lại trên thế giới, khiến số ca lây nhiễm ở châu Âu tăng 26% trong khi ở Mỹ tăng tới 60%. Theo dự báo mới nhất của ECDC công bố hôm 23/7, số ca mắc mới ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thậm chí còn cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể còn nguy hiểm hơn cả biến thể Delta.
“Virus càng lây lan nhiều càng làm tăng nguy cơ xuất hiện của biến thể mới nguy hiểm hơn cả biến thể Delta với mức càn quét như hiện nay… Càng có nhiều biến thể mới xuất hiện, thì nguy cơ virus trốn tránh vaccine và đưa chúng ta quay trở lại vạch xuất phát lại càng cao” – hãng thông tấn TASS của Nga, ngày 21/7 dẫn cảnh báo của ông Ghebreyesus.
Cuộc chiến chống tin giả về vaccine
Trong khi các nước trên thế giới đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà để chống COVID-19 thì số lượng thông tin giả mạo, sai lệch về vaccine trên các mạng xã hội cũng gia tăng một cách đáng lo ngại. WHO cảnh báo tin giả về vaccine đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia, thậm chí đẩy tính mạng người dân vào nguy hiểm.
Tin giả về vaccine đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa: TL) |
Các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới, đem lại hy vọng về một cuộc sống bình thường. Các chủ đề liên quan tới hiệu quả của vaccine, cách thức vaccine hoạt động, hay lời khuyên sau khi tiêm vaccine..., cũng được nhiều người quan tâm, tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên, không ít thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học, thường với mục đích gây tâm lý nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine, khiến mọi người hoang mang, không đi tiêm chủng hay tẩy chay vaccine... cũng được phát tán trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Twitter....
Các chuyên gia gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội mà một loại virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm không kém gì virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, thông tin giả về vaccine, như khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden, có thể "giết người", bởi vaccine ngừa COVID-19 đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm và giảm tỷ vong. Trong khi đó, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi cộng đồng quốc tế kích hoạt cuộc chiến thứ hai - cuộc chiến chống lại nạn tin giả về vaccine ngừa COVID-19, bên cạnh cuộc chiến chống COVID-19, bởi sự xuất hiện ngày càng ồ ạt những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về vaccine chính là "đại dịch thứ hai" mà thế giới đang đối mặt khi chúng tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan và hủy hoại những nỗ lực phòng chống COVID-19. Nói cách khác, chỉ có cảnh giác và kiên quyết chống lại tin giả thì thế giới mới có thể thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Các nước Phong trào Không liên kết ủng hộ nỗ lực của Cuba
Chiều 21/7, Uỷ ban Điều phối của Phong trào Không liên kết (CoB-NAM) tại Liên hợp quốc (LHQ) đã họp để nghe Cuba thông tin về những diễn biến gần đây tại nước này. Cuộc họp thu hút hơn 100 đại diện từ các nước thành viên Phong trào Không liên kết tham dự.
Sau khi cập nhật tình hình Cuba thời gian gần đây, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Cuba tại LHQ Pedro Luis Pedroso Cuesta cho biết Cuba đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình và mọi hoạt động đã quay trở lại bình thường. Cuba tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ trật tự hiến pháp mà Cuba đã tự do lựa chọn nhằm thực hiện quyền tự quyết của mình.
Người dân Cuba tham gia cuộc míttinh bày tỏ quyết tâm bảo vệ cách mạng và chủ quyền Tổ quốc tại thủ đô La Habana, ngày 17/7. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đại sứ Cuba kêu gọi các nước thành viên của Phong trào Không liên kết lên tiếng ủng hộ những hành động này và cho rằng việc đánh giá tình hình hiện nay cần dựa trên thông tin khách quan, phi chính trị hóa, có kiểm chứng và không bị rơi vào bẫy tin tức giả và thông tin sai lệch.
Tại cuộc họp, các nước tham gia phát biểu bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Cuba trong giải quyết những khó khăn hiện nay. Nhiều nước lên án các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Cuba, đề nghị Mỹ và các lực lượng chống phá phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cuba.
Các ý kiến phát biểu đề nghị Mỹ tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ và dỡ bỏ ngay các lệnh cấm vận đối với Cuba. Các nước ủng hộ nỗ lực của Phong trào Không liên kết và mong muốn sớm có hành động tập thể góp phần ủng hộ sự nghiệp chung của Chính phủ và nhân dân Cuba.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ tình đoàn kết, hợp tác và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Cuba anh em, đồng thời, cam kết kiên định bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được ghi trong Hiến chương LHQ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!