Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3. (Ảnh: Xinhua)  

Ngày 29/3, Nga và Ukraine đã nối lại vòng đàm phán kéo dài gần 3 giờ đồng hồ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với kết quả được đánh giá là mang tính xây dựng và tích cực. Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong hơn 2 tuần qua.

Sau đàm phán, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định giảm đáng kể các hoạt động gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv của Ukraine. Phía Nga cũng thông báo một lệnh ngừng bắn cục bộ trong ngày 31/3 nhằm tạo điều kiện sơ tán dân thường khỏi Mariupol - thành phố cảng của Ukraine.

Trong khi đó, về phía Ukraine, sau vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, phía Ukraine đã đề xuất quy chế trung lập cho nước này để đổi lấy việc đảm bảo an ninh. Đề xuất về trạng thái trung lập của Ukraine, đồng nghĩa với việc không gia nhập NATO, về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của Nga trên bàn đàm phán. Ngoài ra, theo thông tin từ Nga, phía Ukraine dường như cũng có sự nhượng bộ trong vấn đề Bán đảo Crimea khi chấp nhận tham vấn về tình trạng của bán đảo này, cũng như đàm phán để giải quyết xung đột liên quan tới vùng Donbass.

Trong bối cảnh sự giằng co giữa hai bên về những điều kiện tiên quyết trên bàn thương lượng khiến các vòng đàm phán trước gần như bế tắc, thì vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một bước tiến tuy nhỏ song quan trọng. Ít nhất, kết quả vòng đàm phán cho thấy hai bên có thể nhượng bộ để đạt được thỏa hiệp. Đồng thời, cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng minh, đàm phán chính là con đường tối ưu để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, để tạo được đột phá trên bàn đàm phán, ngoài thiện chí, hai bên còn cần rất nhiều bước đi nữa để thúc đẩy xây dựng lòng tin, cùng với nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế.

Trước đó, ngày 28/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi Ukraine và Nga ngay lập tức đồng ý thiết lập một lệnh ngừng bắn nhân đạo, tạo tiền đề cho các bên đàm phán chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 1 tháng ở Ukraine. Người đứng đầu Liên hợp quốc hối thúc các bên liên quan cần phải tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine và không thể để tình trạng như hiện nay tiếp diễn. Ông Guterres mạnh mẽ kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng thế giới phối hợp hành động với LHQ để mang lại hòa bình, đoàn kết không chỉ đối với Ukraine mà còn toàn thế giới.

Số ca mắc COVID-19 tại châu Á vượt mức 100 triệu ca

Sinh viên Trường đại học Hankuk trở lại học trực tiếp tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 2/3/2022. (Ảnh: Yonhap) 

Theo thống kê, số ca mắc COVID-19 tại châu Á đã vượt mức 100 triệu ca vào ngày 30/3, trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, với biến thể phụ BA.2 của Omicron là biến thể chủ đạo.

Phân tích cho thấy, cứ 2 ngày, châu Á lại ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc COVID-19. Châu Á hiện chiếm tới 21% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Trong những tuần qua, biến thể phụ BA.2 đã khiến số ca nhiễm tăng mạnh tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện chiếm gần 86% số ca nhiễm đã được giải trình tự gene.

Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày, khi chiếm 25% số ca nhiễm mới theo ngày trên toàn cầu. Dù số ca nhiễm đã dẫn ổn định so với thời điểm đầu tháng 3, trung bình Hàn Quốc vẫn ghi nhận trên 300 ca tử vong mỗi ngày do COVID-19, khiến nhà chức trách phải yêu cầu các cơ sở hỏa táng kéo dài thời gian làm việc.

Tương tự, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này. Số ca nhiễm tăng nhanh tại Thượng Hải đã buộc chính quyền thành phố phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực. Kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 45.000 ca mới, cao hơn thống kê của cả năm 2021. Dù Trung Quốc đã tiêm phòng cho 90% dân số, song những người lớn tuổi vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường đầy đủ, khiến họ đối mặt với nguy cơ tái nhiễm cao.

Trong khi đó, chỉ riêng Ấn Độ đã ghi nhận 43 triệu ca mắc COVID-19. So với giai đoạn đỉnh vào tháng 1 với trung bình hơn 300.000 ca nhiễm mới/ngày, trong 11 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận dưới 2.000 ca nhiễm mới/ngày.

Đầu tháng 3, số ca tử vong do COVID-19 tại châu Á đã vượt 1 triệu người. Nghiên cứu cho thấy những người từng mắc các biến thể khác của virus SARS-COV-2 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron.

OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô

OPEC+ quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô lên 432.000 thùng/ngày kể từ
tháng 5/2022. (Ảnh: Emirates News Agency) 

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 31/3 đã quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô kể từ tháng 5, bất chấp sức ép từ Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc tăng sản lượng nhằm “hạ nhiệt” giá dầu.

Theo đó, OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/5, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này hiện đang áp dụng. Trong giai đoạn từ tháng 12/2021 - 1/2022, các thành viên của khối đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc của dịch COVID-19 gây ra.

Trong tuyên bố chung, OPEC+ cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng sản lượng đã cho thấy một thị trường cân bằng. Theo OPEC+, sự biến động hiện tại của thị trường “vàng đen” không phải do các nguyên tắc cơ bản bị xáo trộn, mà là do những diễn biến địa chính trị đang diễn ra.

Trong một báo cáo, OPEC+ cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu một đòn giáng mạnh từ cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Báo cáo nhận định: "Tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp được cho là sẽ suy sụp không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới nếu chỉ tính đến tác động lạm phát mà cuộc xung đột này gây ra". 

Mỹ không tìm kiếm thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai. (Ảnh: Nhà Trắng)  

Đây là thông tin do Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai đưa ra ngày 31/3. Hiện bà Tai đang theo đuổi tiến trình đàm phán với Bắc Kinh về việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước đã ký kết từ hai năm trước.

Trong bài phát biểu trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, bà Tai đánh giá các cuộc thảo luận với Trung Quốc về tuân thủ thỏa thuận giai đoạn một "rất khó khăn và cần đến những công cụ mới". Quan chức này của Mỹ cho rằng không nhất thiết phải xem xét một thỏa thuận khác trong giai đoạn đàm phán tiếp theo, mà thay vào đó là mở rộng trọng tâm sang các vấn đề mà bản thỏa thuận giai đoạn 1 chưa đề cập tới.

Theo thỏa thuận thương mại đạt được với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump năm 2020, Trung Quốc cam kết nhập khẩu một khối lượng hàng hóa, dịch vụ trị giá 200 tỷ USD trong hai năm. Thỏa thuận đã hết hạn vào cuối tháng 12 năm ngoái, với việc Washington chỉ trích Bắc Kinh bỏ lỡ mục tiêu đề ra (chỉ đạt khoảng 60%), trong khi cả hai bên đều chưa đi tới đồng thuận về một vòng đàm phán mới.

Trong thông điệp phát đi cùng ngày, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting khẳng định, hợp tác vẫn là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất, Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn duy trì liên lạc bình thường. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này cũng hy vọng Mỹ sẽ áp dụng một chính sách thương mại “hợp lý và khả thi” với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ thương mại phát triển ổn định, lành mạnh giữa hai nước.

Nga mở rộng danh sách trừng phạt đối với EU

 Cờ của Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài trụ sở Ủy ban EU ở Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Nga ngày 31/3 cho biết, nước này sẽ mở rộng danh sách các nhân vật thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị cấm nhập cảnh vào Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva liên quan vấn đề Ukraine. 

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU, trong đó có một số ủy viên châu Âu và những người đứng đầu các tổ chức quân sự EU cùng nhiều thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), những người đã thúc đẩy các chính sách chống lại Nga. Ngoài ra, tuyên bố nêu rõ trong danh sách trên còn có các quan chức cấp cao khác cũng như nhiều nhân vật của công chúng và nhân viên truyền thông, những người chịu trách nhiệm cá nhân thúc đẩy các lệnh trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào Nga. 

Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ đã thông tin về lệnh trừng phạt trên cho phái đoàn EU tại Moskva, đồng thời tuyên bố bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phía EU và các nước thành viên của liên minh này đối với Nga, Moskva sẽ đều có bước đi đáp lại. Trước đó, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga liên quan vấn đề Ukraine, các lệnh cấm đi lại cũng như phong tỏa tài sản đối với một số nhân vật trong Chính phủ Nga.

Cùng ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không nội địa 100 tỷ ruble (1,25 tỷ USD) để giúp họ đối phó với hậu quả từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong bài phát biểu trên truyền hình vào cuối cuộc họp với đại diện của các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay, ông Putin cho biết các chuyến bay nội địa sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ trong năm 2022./.