Tuần qua (5 – 11/7), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh, gây nhiều lo ngại, thế giới còn phải chứng kiến tình hình bất ổn lan rộng tại Haiti sau khi Tổng thống bị ám sát, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, hay bất đồng giữa EU và Anh về các điều khoản của Brexit…
Châu Á tiếp tục là tâm dịch của thế giới
Châu Á đang là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Xinhua) |
Đến sáng 11/7, theo trang web thống kê worldometers.info, thế giới có tổng số 187.263.125 ca nhiễm và 4.042.632 ca tử vong vì dịch COVID-19. Hiện châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất thế giới với 57.456.188 ca nhiễm và 818.184 ca tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh với tổng số 30.836.231 người nhiễm và 408.072 trường hợp tử vong. Bang Uttar Pradesh đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong.
Theo Tiến sỹ Amresh Kumar Singh, Trưởng Khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus. Kappa là một biến thể kép của virus gây bệnh COVID-19. Biến thể này đang gây "báo động đỏ," khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này. Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.
Tại Đông Nam Á, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại hai quốc gia này lần lượt là 827.191 và 1.467.119 ca.
Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao mới (91 ca), nâng tổng số lên 2.625 ca. Chính phủ Thái Lan quyết định áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận và 4 tỉnh ở miền Nam từ ngày 12/7.
Campuchia cũng siết chặt kiểm soát dịch tại khu vực biên giới. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 tại các khu vực biên giới nhằm ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập.
Hàn Quốc ghi nhận 1.378 ca nhiễm mới - con số cao chưa từng có, trong đó 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc.
Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát, Haiti trượt dài bất ổn
Các nhân viên pháp y trước dinh thự của Tổng thống Haiti, ngày 7/7/2021. (Ảnh: AFP) |
Rạng sáng 7/7, một nhóm tay súng đã tấn công vào dinh thự riêng của Tổng thống Haiti Jovenel Moise. Vụ tấn công đã khiến nhà lãnh đạo 53 tuổi tử vong ngay tại chỗ, trong khi đệ nhất phu nhân Martine Moise bị thương nặng.
Theo truyền thông địa phương, ít nhất 3 nghi phạm đã bị bắn hạ, 17 người đang bị cảnh sát giam giữ và 8 người khác đang bỏ trốn, trong đó có kẻ chủ mưu. Trong số các nghi phạm có 26 người mang quốc tịch Colombia và 2 người mang quốc tịch Mỹ gốc Haiti. Chính phủ Colombia đã cam kết sẽ hỗ trợ Haiti trong quá trình điều tra, bởi ít nhất 6 người trong số 28 nghi phạm của vụ tấn công được xác định là cựu quân nhân Colombia.
Theo các nhà chức trách Haiti, động cơ của vụ ám sát vẫn chưa được xác định.
Haiti bắt đầu để quốc tang 2 tuần từ ngày 8/7 để tưởng nhớ cố Tổng thống Moise.
Ngày 9/7, Thượng viện Haiti đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert làm nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước. Đây là bước đi có lẽ sẽ thách thức trực tiếp quyền Thủ tướng Claude Joseph và đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ cũng như Liên hợp quốc.
Về phần mình, quyền Thủ tướng Claude Joseph cáo buộc lực lượng đối lập đang lợi dụng vụ ám sát Tổng thống Moise để thâu tóm quyền lực chính trị.
Vụ ám sát Tổng thống Moise đã trở thành sự kiện chấn động, thu hút sự chú ý tại khu vực châu Mỹ và cộng đồng thế giới. Trong khi đó, Haiti đang đối mặt với chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực và đã có những lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng.
Mỹ đưa thêm nhiều công ty của Trung Quốc vào “danh sách đen”
Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 9/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã đưa thêm 34 thực thể vào “danh sách đen” về kinh tế, trong đó có 14 công ty của Trung Quốc.
Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ sẽ được đưa ra sau một thông báo hồi tháng trước, trong đó đưa thêm 5 công ty khác và các thực thể của Trung Quốc vào “danh sách đen”.
14 thực thể này bao gồm Học viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Trung Quốc; Côn ty Công nghệ Viễn thông Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty Công nghệ Thông tin (CNTT) Hữu nghị Thâm Quyến; Công ty CNTT Xinjiang Sailing; Công ty CNTT Beijing Geling Shentong; Công ty Công nghệ Shenzhen Hua'anta và Công ty Bảo mật Chengdu Xiwu.
Các công ty bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" sẽ buộc phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại và chịu sự giám sát gắt gao khi xin phép nhận hàng từ các nhà cung cấp Mỹ.
Lệnh cấm đầu tư có hiệu lực từ ngày 2/8 và các cổ đông hiện tại có thời hạn 1 năm để rút đầu tư.
Phản ứng trước động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/7 tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các công ty của mình.
Liên minh châu Âu và Anh bất đồng về chi phí dàn xếp Brexit
Cờ EU (trái) và Anh (phải) tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn đang "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" về chi phí dàn xếp Brexit.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/7, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ liên minh đã hoàn tất việc ước tính chi phí cho tiến trình Brexit trong bối cảnh cả Brussels và London đều đưa ra những tính toán khác nhau. Theo đó, tháng trước EU thông báo Chính phủ Anh nợ Brussels 47,5 tỷ Euro (56,5 tỷ USD) và cần phải trả trong nhiều năm. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Anh cho rằng ước tính của nước này về Brexit vẫn chỉ ở mức từ 41 – 45 tỷ Euro. London sẽ không công nhận con số cao hơn mà EU đưa ra, đồng thời coi đây là ước tính mà EU đưa ra "vì mục đích riêng".
Trong khi đó, người phát ngôn EU xác nhận Anh đã trả đúng hạn và đầy đủ khoản tiền đầu tiên trong hóa đơn trị giá 6,8 tỷ Euro, phải thanh toán cho năm 2021.
Đây có thể là tranh cãi mới nhất giữa hai bên, vốn đã bất hòa trong nhiều điều khoản của thỏa thuận Brexit.
Siêu tàu Ever Given rời Kênh đào Suez, kết thúc 4 tháng bị "giam cầm"
Tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez hồi tháng 3. (Ảnh: USP) |
Ngày 7/7, ông Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), cho biết SCA và Tập đoàn Hàng hải Evergreen đã ký thỏa thuận bồi thường liên quan đến con tàu Ever Given, vốn bị mắc cạn ở khu vực phía Nam Kênh đào Suez ngày 23/3, khiến hoạt động giao thông theo hai hướng trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này bị đình trệ trong 6 ngày.
Sau khi thỏa thuận được ký kết, con tàu vận chuyển container dài 400m đã rời Kênh đào Suez, tiếp tục hành trình hướng đến cảng biển Rotterdam lớn nhất châu Âu.
Tàu Ever Given được 2 tàu kéo hộ tống qua Hồ Great Bitter cũng như xuyên suốt hành trình trên Kênh đào Suez.
Trước đó, ngày 6/7, Tòa án Kinh tế tỉnh Ismailia của Ai Cập đã đồng ý cho gỡ bỏ lệnh tạm giữ đối với con tàu khổng lồ Ever Given, cho phép tàu rời Kênh đào Suez trong ngày 7/7 để tiếp tục hành trình đến Rotterdam, theo yêu cầu của SCA.
SCA lúc đầu yêu cầu chủ sở hữu tàu Ever Given bồi thường 916 triệu USD vì đã gây ra tình trạng tắc nghẽn trên Kênh đào Suez, nhưng sau đó đã giảm số tiền bồi thường xuống 550 triệu USD./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!