Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán trực tuyến

Ngày 14/3, vòng đàm phán thứ 4 giữa Nga và Ukraine được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo một số nguồn tin, hai đoàn đàm phán tập trung thảo luận việc thúc đẩy một lệnh ngừng bắn, rút quân và bảo đảm an ninh cho Ukraine. Thành viên đoàn đàm phán Ukraine, ông Mykhailo Podolyak (M.Pô-đô-li-ắc) cho biết, lập trường của Ukraine vẫn không thay đổi là yêu cầu đạt được một lệnh ngừng bắn trước khi diễn ra các cuộc đàm phán về quan hệ tương lai giữa hai nước.

Các tình nguyện viên ở New Jersey (Mỹ) đóng gói hàng viện trợ nhân đạo chuyển đến Ukraine. (Ảnh REUTERS)

Thúc đẩy đàm phán cấp cao trực tiếp

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki) nhấn mạnh, các quan chức Ukraine đang đàm phán với phái đoàn Nga có nhiệm vụ bảo đảm tổ chức được các cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai tổng thống hai nước nhằm mang đến hòa bình.

Ông Zelensky thừa nhận đây là một con đường khó khăn, nhưng "cần thiết cho hòa bình và an ninh". Phía Nga từng cho biết, Điện Kremlin sẽ không từ chối một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước để thảo luận các vấn đề cụ thể.

Theo giới chức Nga, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine đang đạt tiến triển, nếu so sánh lập trường của cả hai phái đoàn hiện nay và những ngày bắt đầu đàm phán.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông báo, Bắc Kinh ưu tiên không để tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine leo thang hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát, qua đó bác bỏ thông tin đăng tải trên các báo Mỹ cho rằng, Nga đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vũ khí quân sự cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trước đó, các báo Washington Post và Financial Times của Mỹ dẫn lời quan chức Mỹ đưa tin, Nga đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vũ khí quân sự, song không nêu rõ loại vũ khí được đề nghị. Chính phủ Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận chính thức nào về thông tin này.

Phương Tây gia tăng trừng phạt Nga

Ngày 14/3, Chính phủ Australia tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 33 nhà tài phiệt Nga. Chính phủ Australia đã áp đặt hơn 400 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Bộ Thương mại Mỹ công bố danh sách gần 600 mặt hàng xa xỉ cấm xuất khẩu sang Nga và Belarus từ ngày 16/3 tới, trong đó có rượu, thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, túi xách… Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các lệnh trừng phạt này gồm lệnh cấm nhập khẩu sắt và thép của Nga, đồng thời cấm xuất khẩu hàng xa xỉ, đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Moskva. EU cũng có kế hoạch mở rộng danh sách trừng phạt các nhà tài phiệt Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, nước này sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt của một số nước phương Tây áp đặt đối với Nga. Ông Cavusoglu nêu rõ, các lệnh trừng phạt, như việc đóng cửa không phận, "không giải quyết được vấn đề". Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đóng không phận theo Công ước Montreux vì đây là nghĩa vụ pháp lý. Ông Cavusoglu đưa ra quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh NATO muốn tất cả các nước thành viên áp đặt các hạn chế đối với Nga.

Ngày 14/3, Bộ Tài chính Nga thông báo đã phê duyệt một thủ tục tạm thời về thanh toán nợ ngoại tệ, nhưng cảnh báo các khoản thanh toán sẽ được trả bằng đồng ruble nếu các ngân hàng không thể trả nợ bằng đúng loại tiền đã vay do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Trong tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định, Moskva có đủ ngân sách để trả nợ. Dự kiến, Chính phủ Nga sẽ phải thanh toán số trái phiếu trị giá 117 triệu USD vào ngày 16/3 tới.

Giá xăng dầu tăng cao

Giá xăng dầu ở Mỹ liên tục gia tăng lên các mức kỷ lục mới sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Ngày 13/3, xăng ở Mỹ tăng lên 4,43 USD/gallon (3,78 lít). Đặc biệt, ở một số khu vực của Mỹ, giá xăng lên tới 6 USD/gallon, trong đó giá xăng ở thành phố Los Angeles xấp xỉ 7 USD/gallon.

Ngày 14/3, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết, giá xăng trung bình tại năm thành phố lớn gồm Sydney, Melbourne, Brisbane, Adelaide và Perth đã tăng lên mức 1,82 AUD/lít (khoảng 1,32 USD). Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2014. Chủ tịch ACCC Rod Sims cho rằng, giá xăng bán lẻ tại Australia phụ thuộc lớn vào giá dầu quốc tế, cũng như tỷ giá AUD/USD, trong đó có nguyên nhân của xung đột Nga-Ukraine.

Truyền thông Anh đưa tin, Thủ tướng Boris Johnson sẽ đi thăm Saudi Arabia tuần này nhằm thúc đẩy nguồn cung dầu khí, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt với Nga ảnh hưởng thị trường khí đốt của Luân Đôn. Theo tờ The Times, Thủ tướng Johnson sẽ gặp Thái tử Mohammed bin Salman (M.Xan-man) để vận động giúp Anh đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.

Bộ Năng lượng Ukraine thông báo, các chuyên gia năng lượng và kỹ sư điện hạt nhân đã khôi phục thành công nguồn điện cho nhà máy hạt nhân Chernobyl sau bốn ngày gián đoạn. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng cho biết, đã nhận được thông báo của giới chức Ukraine về việc các chuyên gia Ukraine đã sửa chữa một trong hai đường dây điện bị hư hỏng tại Chernobyl.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới