Với việc thúc đẩy sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, Chính phủ Mỹ gửi đi một thông điệp rằng, sẽ trở lại khôi phục vai trò và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế số 1 thế giới tại châu Phi.
Sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” được cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra năm 2018, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và châu Phi về kinh tế và thương mại. Tiếp nối công việc còn dang dở của người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Mỹ và đối tác ở châu Phi, trong đó tập trung vào những lĩnh vực năng lượng, y tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Trong dự toán ngân sách đưa ra vào tháng 5/2021, Tổng thống Biden đề xuất gần 80 triệu USD cho sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, tập trung vào lĩnh vực phụ nữ và công bằng, mở rộng vai trò cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, Mỹ vừa tổ chức Hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ - châu Phi lần thứ 13 diễn ra từ ngày 27 đến 29/7. Washington tin rằng, hội nghị sẽ giúp gia tăng tầm ảnh hưởng và các hoạt động kinh tế, thương mại với châu lục giàu tiềm năng này. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ tuyên bố không đầu tư ồ ạt hoặc dàn trải vào châu Phi, mà chú trọng hướng tới các quốc gia quan trọng và các mục tiêu chiến lược cụ thể. Ngoài ra, Washington chủ trương thông qua sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh và đầu tư tại châu Phi, qua đó bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mình.
Quyết tâm đó còn được thể hiện qua quyết định của Tổng thống Biden hủy bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia đạo Hồi tại châu Phi và đưa Washington quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, chiếm tới 15% ngân sách của WHO, và một phần không nhỏ ngân sách đó được phân bổ cho các dự án y tế tại châu Phi.
Washington cũng ưu tiên viện trợ vaccine ngừa Covid-19 cho châu Phi, mới nhất là tuyên bố gửi gần 10 triệu liều tới hai trong số các quốc gia đông dân nhất châu lục là Nigeria và Nam Phi, nâng tổng số vaccine mà Mỹ tặng châu Phi lên 16,4 triệu liều, chưa kể phần ưu tiên dành cho Liên minh châu Phi trong kế hoạch hỗ trợ 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều của Mỹ với châu Phi mới chỉ đạt 56,9 tỷ USD vào năm 2019, còn khá khiêm tốn so với 208,7 tỷ USD của Trung Quốc. Do đó, Washington sẽ còn nhiều việc phải làm để khôi phục vai trò và khẳng định tầm ảnh hưởng với châu Phi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!