Một số nước EU không ủng hộ lệnh cấm khí đốt của Nga

Cùng lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga, đề xuất áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga cũng được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thảo luận tại hội nghị cấp cao vừa qua.

Các nhà lãnh đạo EU thông báo kết quả hội nghị cấp cao.

Tuy nhiên, một số nước thành viên đề nghị tạm dừng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva. Thủ tướng Áo Karl Nehammer (C.Nê-ham-ma) khẳng định, lệnh cấm nhập khẩu khí đốt sẽ không nằm trong gói trừng phạt tiếp theo. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (A.Cru) cũng cho rằng không nên áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Moskva.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) khẳng định, EU đã "đi đủ xa" trong việc áp đặt trừng phạt nhằm vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Trong khi đó, phát biểu với các phóng viên sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Italia Mario Draghi (M.Ðra-ghi) cho biết, EC đã được giao toàn quyền xem xét khả năng thiết lập giới hạn giá khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Theo EC, các kho dự trữ khí đốt của EU đã được lấp đầy khoảng 41% công suất cho mùa đông tới, nhiều hơn 5% so cùng kỳ năm ngoái. Chủ tịch EC cho biết, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng ngoài Nga trong quý I/2022 đã tăng gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái. Nỗ lực lấp đầy kho khí đốt của EU diễn ra trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung đối với 5 quốc gia thành viên gồm Phần Lan, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan và Ðan Mạch.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Công ty điện lực Orsted của Ðan Mạch và Hãng Shell Energy với hợp đồng cung cấp khí đốt cho Ðức, sau khi các đối tác này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Theo Gazprom, việc ngừng cung cấp có hiệu lực từ ngày 1/6 đến khi các công ty này thanh toán bằng ruble. Trước đó, Gazprom cũng ngừng cung cấp khí đốt cho Công ty năng lượng GasTerra của Hà Lan.

Trước đó, EU đã nhất trí lệnh cấm đối với khoảng hai phần ba lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, được áp đặt theo từng giai đoạn là sáu tháng đối với dầu thô và tám tháng với các sản phẩm dầu tinh chế. Hiện hơn 60% lượng dầu EU nhập khẩu từ Nga được vận chuyển bằng đường biển. Lệnh cấm ngay lập tức được áp dụng với khối lượng dầu nêu trên và sẽ tăng lên mức 90% vào cuối năm nay.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới