Trong ngày làm việc thứ 2, ngày 1/3, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận về tình hình tại Ukraine, hơn 100 đại diện các nước, các tổ chức quốc tế đã phát biểu ý kiến, nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt xung đột, bảo vệ dân thường và thúc đẩy đối thoại. Các nước thành viên Liên hợp quốc chia sẻ quan điểm về cần thiết duy trì đàm phán giữa Nga và Ukraine, tránh leo thang căng thẳng, tìm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo.
Đối thoại tìm giải pháp lâu dài
Tại phiên họp, Việt Nam khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. TTXVN dẫn phát biểu của Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng tại Ukraine; kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt hành động sử dụng vũ lực và nối lại đối thoại.
Việt Nam hoan nghênh Nga và Ukraine đã tiến hành đàm phán, mong muốn các bên duy trì đối thoại hướng tới giải pháp lâu dài cho các vấn đề bất đồng. Đại sứ cũng nhấn mạnh cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc bảo đảm an toàn và tạo thuận lợi cho việc sơ tán cộng đồng người nước ngoài tại Ukraine.
Trước bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp tại Ukraine, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các nước láng giềng của Ukraine tìm hiểu thông tin cho quá trình sơ tán, tổ chức đón và hỗ trợ người Việt từ Ukraine trong trường hợp sơ tán. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp thông tin và đầu mối liên lạc để cộng đồng người Việt Nam liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Liên quan tình hình bảo hộ công dân tại Ukraine, Tổ Công tác bảo hộ công dân gồm các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao đã phối hợp các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ sơ tán người Việt Nam tại Ukraine ra khỏi các vùng chiến sự. Theo các cơ quan đại diện, tính đến chiều 2/3 (giờ Việt Nam), cơ bản hầu hết bà con ở Kiev và ở Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi khu vực, đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. 140 người đã từ Ukraine sang Ba Lan và hiện ở Vacsava; 70 người đã sang Romania; khoảng 220 người đã sang đến Moldova và sau đó sẽ được bố trí sang Romania; khoảng 30 người đã tới Hungary.
Các cơ quan đại diện Việt Nam hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở nước sở tại đón và thu xếp chỗ ăn ở tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.
Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch sơ tán công dân và sẽ phối hợp các hãng hàng không sớm tổ chức các chuyến bay về nước theo lộ trình phù hợp tình hình thực tế.
Các nguồn tin truyền thông cho biết, Nga và Ukraine đều xác nhận kế hoạch tổ chức vòng đàm phán tiếp theo. Theo một số hãng tin Nga, như TASS, Sputnik..., cuộc đàm phán thứ 2 được tổ chức tại một địa điểm ở khu vực biên giới Belarus-Ba Lan trong ngày 2/3, như kế hoạch đã được hai bên nhất trí.
Trước thềm vòng đàm phán mới, hôm 1/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán với người đồng cấp, tuy nhiên lưu ý rằng, một lệnh ngừng bắn hoàn toàn là cần thiết. Trong khi đó, Nga đề nghị phía Ukraine thể hiện thiện chí rõ hơn trong đàm phán. Đại diện thường trực Nga tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng, Nga vẫn chưa thấy rõ thiện chí của Ukraine trong việc tìm kiếm giải pháp hợp pháp và cân bằng nhằm giải quyết các vấn đề giữa hai nước. Moskva khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao trên cơ sở tôn trọng lập trường của các quốc gia và sự bình đẳng.
Tăng cường hỗ trợ nhân đạo
Theo thông báo ngày 1/3 của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), đã có khoảng 677 nghìn người Ukraine phải ra nước ngoài lánh nạn, trong khi khoảng 1 triệu người phải sơ tán ngay trong đất nước. UNHCR cảnh báo rằng, xung đột nếu tiếp diễn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng tại châu Âu; kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp cho hoạt động viện trợ nhân đạo đối với người dân Ukraine.
Liên hợp quốc đã phát động đợt viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine. Trong thông điệp ngày 1/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi khoản đóng góp khẩn cấp trị giá 1,7 tỷ USD. Trong đó, 1,1 tỷ USD cần gấp để chi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Ukraine trong ba tháng tới.
Trong tuyên bố chung ra cùng ngày, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cùng Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp khoảng 273 triệu USD nhằm hỗ trợ người tị nạn Ukraine. Quan chức ICRC phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á cho biết, số tiền trên cần thiết để đáp ứng nhu cầu viện trợ khẩn cấp hiện nay, như hỗ trợ thực phẩm, nước uống, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe...
Áp lực trừng phạt
Mỹ và phương Tây liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Nghị viện châu Âu (EP) thông qua một dự thảo nghị quyết, trong đó đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới của EU vào Nga, loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. EU cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga, gồm đài RT và Sputnik phát sóng ở các nước thành viên liên minh. YouTube chặn nội dung của các kênh truyền thông của Nga tại EU. Mỹ thông báo quyết định cấm đối với các máy bay và hãng hàng không Nga.
Ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank ngày 2/3 cho biết đã rút khỏi thị trường châu Âu và nêu rõ, các chi nhánh ở châu Âu đang đối mặt tình trạng dòng tiền rút ra bất thường và những mối đe dọa đối với an toàn của nhân viên. Trước đó, Áo đã cấm hoạt động thương mại đối với Sberbank. Séc cũng rút giấy phép của chi nhánh Sberbank tại Séc. Các công ty phát hành thẻ thanh toán Mỹ là Visa Inc. và Mastercard Inc. chặn nhiều tổ chức tài chính Nga khỏi mạng lưới.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc và Nga tiếp tục duy trì hợp tác thương mại trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp. Tổng thống Mexico cũng bác bỏ việc áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga, chỉ trích việc phương Tây ban hành hạn chế đối với phương tiện truyền thông Nga.
Trong nỗ lực ứng phó các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đặc biệt. Theo Bộ Tài chính Nga, các doanh nghiệp Nga hoạt động thương mại ở nước ngoài phải bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ và chuyển ra đồng ruble. Ngoài ra, công dân Nga không được gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt và không được chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài. Nga cảnh báo rằng, việc phương Tây phong tỏa tiền của công dân và công ty Nga ở nước ngoài chỉ dẫn đến hành động đáp trả tương ứng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!