Theo đó, ngày 13/4, cơ quan này dự báo, nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2022 trung bình sẽ ở mức 99,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức dự báo 99,7 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã khiến lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh trong tháng 3 năm nay giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những ngày qua, giá dầu đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng khi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại nhiều thành phố của Trung Quốc làm dấy lên quan ngại nhu cầu dầu thô của nước này sẽ giảm.
IEA nêu rõ việc Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc gia tăng mạnh khiến cơ quan này hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu. Một lý do nữa khiến IEA hạ dự báo là nhu cầu dầu mỏ của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thấp hơn dự kiến.
Theo IEA, nguồn cung dầu mỏ từ Nga dự kiến tiếp tục giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và con số này sẽ tăng gấp đôi trong tháng 5 do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tăng sản lượng, đồng thời Mỹ và một số thành viên khác của IEA xả kho dự trữ, sẽ giúp ngăn sản lượng dầu giảm mạnh.
Ngày 12/4 vừa qua, các thành viên IEA, trong đó gồm Mỹ, Anh và Đức đã quyết định giải phóng 240 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược trong vài tháng tới trong bối cảnh các lệnh cấm vận nhằm vào Nga của các nước phương Tây hiện nay dự kiến sẽ lấy đi khoảng 2 - 3 triệu thùng dầu/ngày khỏi thị trường.
IEA cho biết, OPEC+ đã từ chối lời đề nghị tăng thêm sản lượng dầu thô, một phần giúp thị trường tránh nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Hiện, tổ chức OPEC+ kiên trì giữ nguyên kế hoạch bổ sung nguồn cung khiêm tốn ở mức 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/5.
Cũng trong ngày 12/4, OPEC cảnh báo, các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai đối với Nga có thể gây ra một trong những cú sốc chưa từng có đối với nguồn cung khí đốt. Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng, thay thế nguồn dầu thô của Nga từ một lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) là điều “gần như không thể”.
“Chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận thực tế có khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác của Nga sẽ bị loại khỏi thị trường xuất khẩu do các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai… Xét trong bối cảnh triển vọng nhu cầu ở thời điểm hiện tại, việc thay thế nguồn cung với khối lượng lớn như vậy là điều không thể”. Nhận định này được ông Barkindo đưa ra tại cuộc gặp cấp cao giữa OPEC và EU được tổ chức tại Vienna (Áo)./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!