Các nước thành viên IEA đã nhất trí phối hợp “bơm” thêm 120 triệu thùng dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá dầu. (Ảnh: Reuters)

Đây là lần thứ 2 IEA xả dầu từ kho dự trữ trong năm nay và tăng nguồn cung trên toàn thế giới thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ít nhất 2 tháng tới. Tổ chức có khoảng 1,5 tỷ thùng dầu dự trữ chiến lược.

Trong thông báo đưa ra, Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol nêu rõ: “IAE đã quyết định giải phóng 120 triệu thùng dầu trong kho dự trữ của nhóm, trong đó có 60 triệu thùng của Mỹ được rút từ kho dự trữ chiến lược”. Theo ông Birol, thông tin về mức đóng góp chi tiết sẽ sớm được công bố.

Quyết định của IEA được đưa ra trong bối cảnh các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới đang tìm cách giảm thiểu tác động của tình trạng giá xăng dầu toàn cầu tăng cao, ở mức hơn 30% kể từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) kiên trì giữ nguyên kế hoạch bổ sung nguồn cung khiêm tốn ở mức 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/5.

Trong tuyên bố chung, OPEC+ cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng sản lượng đã cho thấy một thị trường cân bằng. Theo OPEC+, sự biến động hiện tại của thị trường “vàng đen” không phải do các nguyên tắc cơ bản bị xáo trộn, mà là do những diễn biến địa chính trị đang diễn ra.

Tháng trước, trong cuộc họp bất thường cấp Bộ trưởng, Mỹ và 30 thành viên khác của IEA đã nhất trí giải phóng 61,7 triệu thùng dầu dự trữ, nhằm ổn định thị trường năng lượng toàn cầu bị gián đoạn bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Giám đốc điều hành IEA đánh giá, tình hình hiện nay trên thị trường năng lượng là "rất nghiêm trọng”  và đòi hỏi có các biện pháp can thiệp thích hợp.

Ngày 31/3 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết sẽ tung ra thị trường khoảng 180 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của nước này, trong nỗ lực hạ nhiệt giá nhiên liệu đang tăng cao. Dự kiến đây sẽ là lần thứ 3 Mỹ xả kho dự trữ chiến lược nước này trong vòng 6 tháng qua, và là đợt xả lớn nhất trong gần 50 năm của SPR.

Sau thông báo của IEA về việc “bơm” thêm dầu ra thị trường, giá dầu Brent đã giảm khoảng 5% xuống 101,5 USD/thùng trong ngày 6/4.

Giá dầu đã đạt mức cao kỷ lục ngày 7/3 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent bị đẩy lên gần 140 USD/thùng, trong khi giá dầu Tây Texas giao dịch ở mức 130,5 USD/thùng./.