Trang trí đón Tết Nguyên đán tại một trung tâm thương mại tại thủ đô Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Xinhua)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 1/2, đã có 298.776.984 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 73.161.348 ca bệnh đang điều trị, có 73.068.319 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 93.029 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 224 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 807.471 ca nhiễm và 2.596 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 125.690.728 ca nhiễm mới và 1.616.897 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Nga, Đức và Pháp có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 124.070; 119.696 và 82.657 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Đồng thời, Nga cũng là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực với 621 ca, tiếp sau đó là Italy (349 ca) và Pháp (348 ca).

Với 100.406.042 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 1/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 633.285 ca nhiễm mới và 2.085 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 164.271; 93.261 và 85.042 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Ấn Độ (1.218 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (182 ca) và Philippines (112 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 89.138.419 ca, trong đó có 1.320.315 ca tử vong và 57.109.892 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 246.101 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Mexico với 13.926 ca và Canada với 13.095 ca nhiễm mới. Cùng với đó, Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 964 ca; sau đó là Canada với 151 ca, Mexico với 131 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 206.560 ca nhiễm và 1.120 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 48.639.880 ca và 1.215.660 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 102.616 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 43.472 ca, và Chile với 26.244 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 442 ca tử vong ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là  Argentina với 285 ca và Colombia với 221 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 1/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.024.004 ca, trong đó có 239.603 ca tử vong và 9.845.158 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất trong khu vực, với tổng số 3.605.222 ca nhiễm và 95.093 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.226 ca nhiễm mới và 117 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco với tổng số 1.132.716 ca nhiễm COVID-19 và 15.400 ca tử vong; Tunisia với 909.813 ca nhiễm COVID-19 và 26.288 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 2.729.421 ca nhiễm (tăng 32.439 ca) và 6.143 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 48 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 29.658 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.541.041 ca, trong đó 3.760 ca tử vong (tăng 44 ca). Tiếp sau đó là New Celedonia với 1.843 ca nhiễm và Fiji với 335 ca nhiễm mới trong ngày qua.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca lây nhiễm không ngừng tăng cao, nhiều quốc gia châu Á đã phải hủy bắn pháo hoa và các lễ hội đón mừng Tết Nguyên đán và kêu gọi người dân hạn chế đi lại hoặc ăn mừng Năm mới. Giới chuyên gia lo ngại rằng số ca nhiễm ở một số nước châu Á có thể tăng vọt sau dịp Tết Nguyên đán do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron và người dân đổ về quê, đi du lịch hoặc tụ tập đông người.

Tại Trung Quốc, chính quyền nước này lại đang mạnh tay ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19 trước thềm Olympic mùa Đông Bắc Kinh dự kiến khai mạc vào ngày 4/2 tới. Để khuyến khích người dân hạn chế đi lại, chính quyền nhiều nơi áp dụng các biện pháp khen thưởng như tặng phiếu mua hàng hay tiền mặt, hay cảnh báo rằng người dân sẽ bị cách ly 14 ngày khi trở về. Một số nơi như thành phố Tây An đã siết chặt chống dịch bằng xét nghiệm đại trà, phong tỏa và cách ly…

Tương tự tại Hàn Quốc, chính quyền đã cấm tụ tập trên 6 người và đặt giới nghiêm đóng các nhà hàng, quán cà phê từ 21h. Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân nên cân nhắc và hạn chế về quê, đi du lịch trong dịp Tết, bởi giới chức y tế nước này dự báo rằng dòng người di chuyển giữa các địa phương trong kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 31/1 đến 2/2 sẽ khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc tăng cao kỷ lục.

Tại Singapore, các con phố, các trung tâm cộng đồng tại các khu dân cư ở Singapore đã được trang hoàng rực rỡ, cùng với nhiều hoạt động văn hóa đã và sẽ được tổ chức để đón mừng Năm mới. Tuy nhiên, nhà chức trách khuyến cáo người dân tránh ra ngoài nếu họ cảm thấy không khỏe, ngay cả khi xét nghiệm cho thấy âm tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Manila của Philippines đã cấm múa lân, bắn pháo hoa và tụ tập ở khu vực Binondo, nơi có hơn 1,3 triệu người gốc Hoa sinh sống.

Tại Malaysia, một số ngôi đền cũng hạn chế số người ra vào trong dịp lễ./.