Các nghị sĩ châu Âu kêu gọi đình chỉ đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 22/11, các nghị sĩ đứng đầu của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới kế hoạch trấn áp gây tranh cãi của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo EU sẽ “đối mặt với hậu quả” 
nếu ngừng đàm phán về quy chế thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh này.  

Nghị sỹ đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu Manfred Weber, lãnh đạo phe lớn nhất trong Nghị viện châu Âu nói: “Thông điệp của chúng tôi tới Thổ Nhĩ Kỳ là rất rõ ràng: tiến trình đàm phán gia nhập (EU của nước này) sẽ bị đóng băng ngay lập tức”.Trong khi đó, lãnh đạo nhóm Đảng Xã hội, nhóm lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu Gianni Pitella cũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ chủ trương này khi nhấn mạnh rằng: “Thông điệp chính trị mà chúng tôi muốn gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ là nhân quyền, quyền công dân, dân chủ là những vấn đề không thể thương lượng nếu muốn trở thành một bộ phận của EU”.

Ông Guy Verhofstadt, nghị sĩ của Liên minh Tự do, tuyên bố đa số nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu, đều yêu cầu ngừng các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này và đặt ra một số điều kiện nếu tái khởi động trong tương lai.

Tuy nhiên, Đại diện cấp cao phụ trách vấn đề an ninh và đối ngoại của EU, Federica Mogherini cảnh báo nếu chấm dứt đàm phán, cả hai bên đều không có lợi và cách tốt nhất để thúc đẩy dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ là tiếp tục đối thoại với chính quyền Ankara.

Về phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo EU sẽ “đối mặt với hậu quả” nếu ngừng đàm phán về quy chế thành viên của nước này trong EU và Ankara có thể sẽ tham gia một liên minh về an ninh, gồm sự tham gia của Nga và Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động các nỗ lực gia nhập EU từ những năm 1960. Tuy nhiên, mãi đến năm 2005, các cuộc đàm phán gia nhập EU chính thức của nước này mới được khởi động song cũng diễn ra vô cùng trắc trở và hiện chỉ có 16 trong tổng số 35 chương trong thủ tục gia nhập EU là “mở cửa” đối với Ankara.

Hiện một số nước thành viên EU gồm Áo và Luxembourg đã dẫn đầu phong trào kêu gọi ngừng tiến trình đàm phán về việc trao quy chế thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ - vốn dĩ chỉ đạt được rất ít tiến triển trong 11 năm qua. Trong khi đó, một số nước khác trong khối gồm Đức và Pháp lại kêu gọi tiếp tục tiến trình này với lo ngại rằng chính quyền Ankara sẽ tỏ ra bất hợp tác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Tuy nhiên, tất cả các nước này đều tỏ rõ một quan điểm chung rằng, tiến trình đàm phán sẽ bị đình chỉ nếu như Thổ Nhĩ Kỳ quyết định khôi phục án tử hình sau vụ đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng 7/2016.

Sau vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan hồi tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 36.000 người và sa thải hơn 110.000 người khác, trong đó gồm các thẩm phán, công tố viên, binh sỹ, phóng viên…trước cáo buộc có vai trò trong vụ đảo chính.

Được biết, trong ngày 22/11, một tòa án hình sự tối cao ở thủ đô Ankara đã khởi động phiên xét xử giáo sĩ Fethullah Gulen cùng 72 nghi can khác trong nhóm Hồi giáo do ông cầm đầu với tội danh âm mưu lật đổ chính phủ. Ông Gulen hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và vẫn chưa bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ, chính vì thế, phiên tòa ngày 22/11 được diễn ra dưới hình thức xét xử vắng mặt./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới