Thuận Châu chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, thời tiết rét đậm, có nơi nhiệt độ xuống thấp; dự báo các đợt rét vẫn còn tiếp tục diễn ra. Trước tình hình đó, huyện Thuận Châu chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Co Mạ là một trong 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, mùa đông nơi đây thời tiết thường giá lạnh, người dân trong xã còn có thói quen chăn nuôi gia súc thả rông. Xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và gửi công văn đến các trưởng bản chủ động tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi. Đồng thời, thành lập các tổ công tác bám nắm địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn, làm chuồng trại cho đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, giảm sâu; hướng dẫn người dân làm chuồng trại, che chắn, tránh gió lùa cho gia súc, đảm bảo đủ ấm trong những ngày giá lạnh.

Nông dân xã Mường Khiêng chủ động phủ bạt, quây kín gió bảo vệ đàn gia súc.

Thăm chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Vừ A Nếnh, bản Pha Khuông, thấy chuồng trại xây kiên cố, mái lợp pro xi măng, xung quanh được quây bạt kín gió, anh Nếnh chia sẻ: Gia đình tôi hiện nuôi 40 con trâu, bò, hằng năm, bước vào mùa đông giá rét, nhiệt độ giảm sâu gia đình tôi chủ động gia cố chuồng trại cho gia súc. Đồng thời, di chuyển đàn gia súc từ chỗ thả rông về nhốt chuồng. Ngoài ra, gia đình còn trồng hơn 1 ha cỏ voi làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Mường Khiêng là một trong những xã có số lượng đàn gia súc lớn với hơn 7.000 con. Những ngày này, các hộ dân trong xã chủ động tu sửa chuồng trại, che chắn kín đáo, chuẩn bị rơm rạ dự trữ thức ăn cho gia súc. Ông Tòng Văn Toan, bản Khiêng, cho hay: Gia đình tôi có 6 con bò, là tài sản lớn của gia đình nên trước mùa đông, gia đình tôi chủ động tiêm phòng cho gia súc, những ngày giá rét, tôi che chắn chuồng trại, giữ ấm cho gia súc. Đồng thời, chủ động cho bò uống nước ấm pha muối, cắt cỏ tươi bổ sung nâng cao thể trạng, sức đề kháng và không đưa bò ra chăn thả ngoài trời lạnh.

Người dân xã Púng Tra chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc khi thời tiết xuống thấp.

Theo thống kê, hiện toàn huyện Thuận Châu có 9.900 đàn trâu, 51.000 đàn bò, 26.000 đàn dê. Ngay từ tháng 9, huyện đã sớm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn xây dựng và triển khai phương án phòng chống rét cho cây trồng và gia súc vụ đông xuân năm 2022- 2023. Bà Quàng Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Chúng tôi đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, vùng khó khăn; chủ động cập nhật tình hình thời tiết, các đợt không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến địa bàn huyện để kịp thời cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn chủ động các biện pháp phòng tránh, nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân dự trữ phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn gia súc, tuyên truyền người dân tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi đầy đủ; thường xuyên kiểm tra việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên địa bàn; phân công cán bộ phụ trách tới từng xã; xây dựng và ban hành hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Qua tuyên truyền, vận động, ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi của bà con đã được nâng lên, những ngày giá rét, các hộ chăn nuôi thực hiện nuôi nhốt trong chuồng trại, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường; chủ động trồng cỏ, dự trữ rơm rạ cung cấp nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, chấp hành tốt việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc để nâng cao sức miễn dịch. 

Người dân xã Tông Cọ chủ động nhốt, bổ sung thức ăn cho gia súc khi thời tiết xuống thấp.

Dự báo thời gian tới, thời tiết rét đậm, rét hại có khả năng diễn biến phức tạp, UBND huyện Thuận Châu đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương tăng cường thông tin về tình hình thời tiết; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi qua hệ thống loa phát thanh của xã, bản, qua mạng xã hội. Kiểm tra, đôn đốc cơ sở, tăng cường chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh, duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm tại địa phương.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới