Từ nhiều năm nay, bà con bản Tà Ỉu, xã Pắc Ngà (Bắc Yên) đã khai thác hiệu quả diện tích đất bán ngập lòng hồ thủy điện Hòa Bình để canh tác, mặc dù mỗi năm chỉ gieo cấy một vụ, nhưng ruộng bán ngập trở thành một trong những vụ sản xuất chính ở Tà Ỉu.
Nhân dân bản Tà Ỉu, xã Pắc Ngà (Bắc Yên) thu hoạch lúa ruộng bán ngập.
Đứng trên đỉnh dốc đầu bản Tà Ỉu nhìn xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình, mùa này nước đỏ quạch, rút sâu, hai bên bờ, những thửa ruộng bán ngập vàng ruộm lúa chín. Con đường xuống bản hẹp, dốc cao, đất đá lổn nhổn. Dịp này, vào mùa gặt nên từ sáng sớm cả bản nhộn nhịp, tiếng máy tuốt lúa, tiếng cười nói rộn ràng, mùi lúa nếp thơm phảng phất. Dừng tay gặt, bà Hà Thị Xuân phấn khởi: Ruộng bán ngập có ưu điểm là lượng phù sa nhiều, nên đất rất màu mỡ, gieo trồng gì cũng xanh tốt và cho năng suất cao. Còn bà Hoàng Thị Cán chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1.000 m² ruộng bán ngập. Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, dưa hấu nhưng tiêu thụ khó. Năm nay, gia đình tôi đã đầu tư 4 triệu đồng thuê máy xúc san gạt và 3,6 triệu đồng mua máy bơm nước để cải tạo thành ruộng gieo cấy lúa, vui lắm vì vụ này được mùa.
Bản Tà Ỉu có 57 hộ, 267 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, bản giáp huyện Mai Sơn và Mường La. Gần 20 năm về trước, bản Tà Ỉu thuộc diện di vén nhường đất cho Dự án thủy điện Hòa Bình. Trưởng bản Hà Văn Pành cho biết: Hằng năm, vào thời gian Nhà máy thủy điện Hòa Bình không tích nước, bà con lại khai thác diện tích đất bán ngập để trồng ngô, khoai, dưa hấu không để lãng phí đất màu mỡ. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết Nguyên đán, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ gần 2 tháng gạo cứu đói giáp hạt cho bà con. Để đảm bảo lương thực tại chỗ, cùng với 6 ha ruộng lúa hai vụ, Ban quản lý bản đã họp bàn, thống nhất chia theo nhân khẩu 3,5 ha đất bán ngập cho các hộ, vận động bà con khai hoang, cải tạo đất để trồng lúa. Năm nay, nước rút sớm hơn mọi năm 1 tháng, nên bà con đã làm mạ từ tháng 2, đến tháng 3 cấy giống lúa nếp ngắn ngày 87, 97 có khả năng chịu hạn, trung tuần tháng 6 đã được thu hoạch. Do là ruộng bán ngập, nên không có hệ thống thủy lợi để tưới tiêu, bà con phải tự mua máy để bơm nước sông lên ruộng. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông của xã luôn đồng hành, hướng dẫn, giúp đỡ người dân kỹ thuật canh tác trên ruộng bán ngập, phòng chống sâu bệnh. Vụ lúa năm nay, ruộng bán ngập ở Tà Ỉu được mùa, chỉ hơn chục ngày nữa bà con sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích trước khi nước hồ dâng trở lại, dự kiến sản lượng gần 10 tấn thóc.
Ông Hoàng Văn Cáu, Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà cho biết: Việc người dân bản Tà Ỉu khai thác diện tích đất bán ngập khi nước lòng hồ thủy điện rút đã góp phần giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo sinh kế cho bà con. Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều diện tích đất bán ngập tại bản Lừm Hạ và Pắc Ngà chưa được khai hoang, tận dụng. Từ hiệu quả của mô hình ruộng bán ngập ở Tà Ỉu, mùa vụ năm sau, xã sẽ theo dõi thời điểm nước rút, huy động nhân dân tích cực cải tạo các bãi bán ngập thành khu vực trồng rau màu, gieo cấy lúa ngắn ngày, bảo đảm lương thực tại chỗ, người dân có thêm thu nhập.
Mùa nước cạn hồ thủy điện Hòa Bình bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến tháng 7, 8 (âm lịch). Việc bà con bản Tà Ỉu bỏ công sức khai hoang, cải tạo những diện tích đất bán ngập thành những ruộng lúa, vườn rau xanh tốt, cho thấy sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây. Chia tay bà con bản Tà Ỉu, còn đọng mãi trong tôi hình ảnh những người nông dân tất bật thu hoạch lúa, dù mệt nhọc, vất vả nhưng trên gương mặt vẫn rạng rỡ niềm vui được mùa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!