Quả “ấm no” của người dân vùng cao

Cũng như ở nhiều nơi vùng cao, cây sơn tra ở Bắc Yên vốn mọc tự nhiên. Trước đây, quả sơn tra chỉ được người dân vùng cao sử dụng ngâm rượu, giã lấy nước uống, thậm chí làm thức ăn cho trâu, bò. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ quả sơn tra tăng cao, do nhiều người biết đến công dụng làm thuốc của quả sơn tra và ưa chuộng các sản phẩm chế biến từ sơn tra, như: Rượu vang, mứt, nước ép, quả sấy khô... Cũng vì thế, quả sơn tra được giá, giúp người dân vùng cao thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Người dân bản Háng Cao, xã Làng Chếu (Bắc Yên) thu hái quả sơn tra.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Bắc Yên đã triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng sơn tra. Sơn tra đã trở thành cây trồng đa mục tiêu, vừa là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, vừa cho thu nhập. Thời điểm này bắt đầu vào vụ thu hoạch quả sơn tra. Dừng xe ở bản Háng Cao, xã Làng Chếu, đúng lúc bà con đang thu hái quả sơn tra trên các sườn đồi. Hỏi chuyện ông Hạng A Lâu, được biết: Mùa sơn tra năm nay ở xã Làng Chếu nói chung và bản chúng tôi nói riêng không cho quả nhiều như mọi năm. Nhưng bù lại, quả sơn tra năm nay được giá từ 6.000-9.000 đồng/kg, giúp người trồng sơn tra tăng thêm thu nhập, cuộc sống chúng tôi thêm sung túc, nên giờ, chúng tôi còn gọi vui quả sơn tra là quả “ấm no”.

Theo ông Phàng A Thào, cùng ở bản Háng Cao, nguyên nhân năm nay năng suất quả sơn tra thấp là do đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2018, ngoài ra trong khoảng thời gian tháng 3 đến tháng 4, thời điểm cây đang ra hoa, đậu quả thì mưa nhiều, khiến cho quả non rụng dần, nên vụ táo năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 2/3 sản lượng hàng năm.

Tiếp tục về xã Xím Vàng - nơi đây ngoài những cung ruộng bậc thang đặc trưng, còn được biết đến bởi là những cánh rừng sơn tra mang lại thu nhập kép cho người dân. Tại cánh rừng sơn tra của bản Háng Chơ, anh Giàng A Chinh, cán bộ địa chính xã Xím Vàng, thông tin: Giờ đây, người dân còn biết ươm cây sơn tra giống mang đi trồng ở những đồi, núi trọc để mở rộng diện tích, tiêu biểu như ông Mùa A Tông, bản Háng Chơ có 4 ha; ông Hạng Páo Chơ, bản Xím Vàng có gần 7 ha... góp phần nâng diện tích cây sơn tra trên địa bàn xã Xím Vàng lên trên 532 ha, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch quả.

Một số hộ dân ở vùng cao đã liên kết thành lập HTX sơn tra Nậm Lộng tại bản Nậm Lộng, xã Hang Chú để sản xuất và bao tiêu sản phẩm quả sơn tra cho người dân trong xã. Quả sơn tra Hang Chú đã được Giám đốc HTX Giàng A Chinh đưa về tiêu thụ tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do mới được thành lập, nguồn lực của HTX chưa đủ khả năng bao tiêu sản phẩm quả sơn tra cho người dân các xã Xím Vàng và Làng Chếu, bởi vậy người dân hai xã này vẫn bán quả cho thương lái lên thu mua tại vườn.

Trao đổi với chúng tôi định hướng phát triển cây sơn tra trên vùng cao, đồng chí Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Toàn huyện Bắc Yên hiện có trên 2.200 ha cây sơn tra, tập trung ở các xã vùng cao, trong đó 3/4 diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, với sản lượng hằng năm ước đạt khoảng 800 tấn. Huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng sơn tra, tăng cường hướng dẫn người dân nâng cao chất lượng quả để sơn tra trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Mặt khác, huyện dự định sẽ tổ chức Ngày hội quả sơn tra, nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, từng bước đưa sản phẩm sơn tra Bắc Yên đến gần với người tiêu dùng ở mọi miền trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện đã có chủ trương phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh xây dựng thương hiệu quả sơn tra Bắc Yên, hướng dẫn người dân cách chăm sóc để quả có mẫu mã đẹp, hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh những lợi ích là cây trồng phủ xanh đất trống, đồi trọc trên vùng cao, cho thu nhập từ sản phẩm quả. Mùa hoa sơn tra vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, với màu trắng tinh khôi trên các triền đồi, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp cũng đang thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng. Với những lợi ích kép từ cây trồng này, đã khẳng định thêm giá trị của cây sơn tra - cây trồng đa mục tiêu, góp phần làm cho đời sống người dân vùng cao ngày một ấm no.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới