Trong chuyến công tác về xã Pắc Ngà (Bắc Yên), khi trời nhá nhem tối, chúng tôi từ bản Tà Ỉu trở về bản Lừm Hạ, đến điểm Trường Tiểu học Lừm Hạ - Nà Phai, được chứng kiến buổi học của thày và trò lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ trong bản, tiếng đánh vần vang lên trong không gian yên tĩnh của vùng quê sông nước này.
Lớp xóa mù chữ cho phụ nữ tại điểm trường tiểu học Lừm Hạ - Nà Phai, xã Pắc Ngà (Bắc Yên).
Lớp học xóa mù chữ tại điểm trường Lừm Hạ - Nà Phai khai giảng từ trung tuần tháng 5 do các giáo viên ở điểm trường trực tiếp giảng dạy. Lớp học vào các buổi tối từ 17h30 đến 19h30 hằng ngày, thu hút 30 phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau, có người gần 60 tuổi cũng chăm chỉ đến lớp để học “con chữ”. Họ là những người mà trước đây không được đi học, bởi quan niệm lạc hậu phụ nữ không cần đi học, chỉ cần ở nhà lo chăm sóc chồng, con và làm việc nhà; có trường hợp do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ ngang ước mơ đến trường để ở nhà đi làm nương, làm rẫy mưu sinh. Không được đi học, không biết chữ, cuộc sống của nhiều phụ nữ xã Pắc Ngà ngày ngày chỉ quanh quẩn với việc đi làm nương, chăm sóc gia đình, sự hiểu biết xã hội hạn chế. Đây là một trong những lý do khiến nhiều năm nay cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình họ và khi cuộc sống quá khó khăn, con cái họ lại phải bỏ học, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Từ ngày mở lớp học xóa mù chữ tại điểm trường Lừm Hạ - Nà Phai, sau một ngày lao động miệt mài trên ruộng, nương, những người phụ nữ nhanh chóng trở về nhà chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình rồi mới đến lớp để học chữ. Tâm sự với chúng tôi, chị Lò Thị Thắng, nói: Dù không còn trẻ, nhưng tôi vẫn muốn đến lớp để được học chữ. Biết chữ, tôi có thể đọc sách, đọc báo tìm hiểu và ghi lại những kiến thức sản xuất mới để áp dụng vào thực tế sản xuất. Sau hơn một tháng đến lớp, tôi và các chị em trong lớp đã biết đọc và viết được khá nhiều, nhưng chưa được thông thạo cho lắm. Bản thân tôi rất mong các lớp học như thế này được mở nhiều hơn, giúp nhiều chị em chúng tôi biết chữ để tiếp nhận thêm nhiều thông tin, tìm hiểu được nhiều cách làm hay trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ, dù gia đình có khó khăn thế nào tôi cũng vẫn cố gắng để các con được đến trường học chữ. Tôi tin rằng, được học hành chu đáo, các cháu sẽ được trang bị nhiều kiến thức, như vậy mới có thể thoát được nghèo.
Bên cạnh việc đi học chuyên cần của các học viên là sự nỗ lực của các giáo viên được phân công nhiệm vụ lên lớp. Dù không đòi hỏi kiến thức cao, nhưng việc dạy học ở những lớp xóa mù chữ thật không đơn giản, vì nhiều học viên tuổi đã cao, khả năng tiếp thu rất hạn chế, hơn nữa, sau giờ học, thời gian ôn lại bài của học viên hầu như không có, bởi các chị trở về nhà lại bộn bề với những công việc thường ngày. Hiểu rõ những điều đó, các giáo viên đã nghiên cứu để chọn phương pháp truyền đạt kiến thức giúp học viên dễ hiểu nhất, dễ nhớ nhất. Thầy giáo Đinh Văn Thon, phụ trách lớp xóa mù chữ tại điểm trường Lừm Hạ - Nà Phai, cho hay: So với việc dạy chữ cho trẻ nhỏ thì việc dạy chữ cho các chị em khó khăn hơn, vì trình độ nhận thức của học viên không đồng đều, nhiều chị đã có tuổi nên có tâm lý ngượng ngập khi tập đọc, tập đánh vần, khả năng tiếp thu hạn chế... Vì vậy, trong mỗi buổi học, tôi cố gắng vừa giảng lý thuyết, vừa có đồ dùng dạy học trực quan để học viên dễ tiếp thu kiến thức. Đồng thời, luôn gần gũi động viên, khích lệ chị em tập đọc, tập viết và chuyên cần đến lớp. Sau một thời gian lên lớp, trong số 30 học viên tại điểm trường chúng tôi, có nhiều người đã đọc thông, viết thạo.
Đến thăm lớp học xóa mù chữ tại điểm trường Lừm Hạ - Nà Phai, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của các học viên. Gần 2 tháng miệt mài với từng nét chữ, những bàn tay chỉ quen cầm cuốc, cầm dao đi làm nương, làm ruộng, gượng gạo khi mới cầm cây bút, nay đã mềm mại, thành thạo hơn. Chị em đã viết được tên mình, chép được những đoạn văn ngắn, biết làm những phép tính cộng, phép trừ đơn giản, phấn khởi hơn là từ nay có thể tự ký và viết được tên mình vào các giấy tờ liên quan đến bản thân và gia đình, không phải điểm chỉ như trước nữa. Hơn nữa là có thể viết lại những kiến thức, cách làm hay trong sản xuất tại các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của cán bộ khuyến nông hoặc biết tính toán làm ăn, chi tiêu hợp lý, điều mà trước đây chưa từng nghĩ là có thể làm được vì không biết chữ.
Được chứng kiến sự say sưa học tập của các học viên, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các giáo viên, cũng như sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã Pắc Ngà, chúng tôi tin, những lớp học thế này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao dân trí, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo và giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!