Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là chăn nuôi đại gia súc đang được xã Chiềng Sại (Bắc Yên) quan tâm thực hiện, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Người dân bản Nà Dòn, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) chăm sóc vật nuôi của gia đình
Người dân xã Chiềng Sại quen với tập quán thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ và không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa. Một phần do kinh phí xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi khá cao nên người dân vẫn chủ yếu là nuôi chăn thả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sại cho biết: Xã xác định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa với những giải pháp cụ thể. Trong đó, lồng ghép trong các cuộc họp của bản, của các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của hình thức nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đó là: Không tốn nhiều công chăn, dắt; đảm bảo vệ sinh môi trường; thuận lợi trong chăm sóc và chủ động phòng, chống dịch bệnh và trâu, bò phát triển tốt hơn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật nuôi vỗ béo, chăm sóc trâu, bò sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Toàn xã hiện có trên 4.000 con trâu, bò, trong đó, có khoảng 20% tổng số con trong đàn được nuôi nhốt chuồng.
Để tạo sự chuyển biến về phương thức chăn nuôi của người dân và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư chăn nuôi từ các chương trình, dự án, nhằm tăng quy mô đàn và nâng cao chất lượng đàn đại gia súc, thời gian qua, cán bộ các cơ quan chuyên môn của huyện đã về xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại chăn nuôi bảo đảm thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông; dự trữ thức ăn cho trâu, bò vào mùa đông… Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn trâu, bò cũng được cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp cùng xã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động triển khai thực hiện, nhất là thời điểm giao mùa dịch bệnh dễ phát sinh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn xã đã tiêm trên 5.000 liều vắc-xin phòng các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng… cho đàn trâu, bò. Để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò, ngoài sử dụng các sản phẩm nông nghiệp, các xã còn vận động nông dân trồng được gần 45 ha cỏ voi. Đồng thời, thực hiện ủ, ướp và dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn vật nuôi.
Ông Đinh Văn Khoán, bản Tăng một trong những hộ điển hình trong chăn nuôi và là mô hình mẫu trong phát triển chăn nuôi của xã Chiềng Sại, chia sẻ: Trước đây, gia đình nuôi gia súc theo hình thức chăn thả. Được cán bộ khuyến nông của huyện, của xã vận động và hướng dẫn, năm 2013, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 20 con bò và 40 con lợn. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình đã áp dụng các kỹ thuật được cán bộ hướng dẫn, vì vậy đàn vật nuôi phát triển tốt. Bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng từ việc bán bò và lợn.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế ở địa phương để phát triển chăn nuôi đại gia súc, Chiềng Sại đã đề ra những hướng đi cụ thể trong thời gian tới, đó là: Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi vỗ béo, nuôi trâu, bò sinh sản; đầu tư xây dựng chuồng trại; trồng thêm 20 ha cỏ voi, nâng diện tích trồng cỏ voi trong toàn xã lên 65 ha vào năm 2020; phấn đấu tổng đàn đại gia súc phát triển lên 4.300 con. Đối với những hộ dân chưa có điều kiện xây dựng chuồng, trại, còn nuôi theo hình thức chăn thả, xã chỉ đạo ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động bà con thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đưa vào hương ước, quy ước của các bản không để xảy ra tình trạng chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường...
Từng bước đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính với kế hoạch phát triển cụ thể, tin rằng chăn nuôi gia súc ở Chiềng Sại sẽ thay đổi về tập quán chăn thả sang nuôi nhốt chuồng gắn với chủ động nguồn thức ăn, mở ra hướng sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập của người chăn nuôi trong xã.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!