Hiệu quả từ chính sách giảm nghèo ở Bắc Yên

Là một trong 61 huyện nghèo trong cả nước được thụ hưởng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm gần đây, huyện Bắc Yên đã và đang tổ chức triển khai với nhiều giải pháp tích cực để các xã nghèo từng bước phát triển.

Người dân bản Nà Dòn, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) đưa công nghệ tưới ẩm nhỏ giọt

vào sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo.

Để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách giảm nghèo, huyện Bắc Yên đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các xã và người dân sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Chương trình 135... Đồng thời, rà soát, xác định nguyên nhân nghèo ở các xã và chia các hộ nghèo thành các nhóm: Thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu đất sản xuất; không biết cách làm ăn, không có tay nghề; thiếu lao động; đông người ăn theo; không có khả năng lao động; lười lao động và thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua đó, có giải pháp hỗ trợ từng nhóm hộ nghèo phù hợp, như: Sử dụng quỹ đất 5% của xã chia cho các hộ thiếu đất sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa qua đào tạo; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi; hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho nhóm hộ không có vốn sản xuất...

Từ năm 2012 đến nay, thông qua nguồn vốn của các chương trình, dự án và của ngân sách huyện, huyện đã phân bổ trên 31,9 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế; hơn 126,2 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ nguồn vốn này, nhân dân ở các xã đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi với nhiều mô hình đạt hiệu quả. Riêng năm 2018, trồng mới trên 400 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện lên hơn 2.600 ha, trong đó có trên 2.200 ha cây sơn tra; trồng mới 49 ha chè...

Đồng chí Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Trong hơn 6 năm (từ 2012-2018), Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành 51 văn bản chỉ đạo thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho ba khu vực vùng ven sông, vùng cao và vùng giữa. Bên cạnh đó, đối với từng vùng có định hướng riêng để phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng xã. Đặc biệt ở các xã vùng cao, huyện đã chủ trương mở rộng vùng trồng cây chè đặc sản ở 2 xã Tà Xùa và Háng Đồng, nâng tổng diện tích chè của huyện lên 178,4 ha (95 ha đã cho sản phẩm); mở rộng diện tích trồng cây sơn tra; phát triển nghề lâm nghiệp ở các xã Xím Vàng, Làng Chếu và Hang Chú...

Thực tế cho thấy, lao động tại các xã không có việc làm và không có kiến thức, kỹ năng làm việc chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, để mục tiêu giảm nghèo đạt hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, có nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, tổ chức hội nghị tư vấn việc làm, lựa chọn nghề để học cho hàng nghìn người trong độ tuổi lao động, như: Quân nhân xuất ngũ, người nghèo, học sinh lớp 12... Từ các nguồn vốn của Chương trình 135 và nguồn kinh phí đảm bảo xã hội của huyện được giao hằng năm, các xã đã tiến hành khảo sát lựa chọn đối tượng tham gia các chương trình đào tạo nghề, tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật đối với nghề nông... Ngoài ra, huyện còn thực hiện 11 dự án hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ 1 mô hình kinh tế giảm nghèo, với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng...

Đến xã Chiềng Sại - một trong những xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, có mức thu nhập thấp 10 triệu đồng/người/năm. Năm 2012, trước khi các chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 hỗ trợ cho xã phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, trên 40%. Theo ông Đinh Văn Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sại, cho biết: Nguyên nhân của cái nghèo là do thiếu đất sản xuất, trước đây, xã đã vận động người dân tận dụng diện tích đất bồi ven sông để trồng lúa và một số loại cây khác, nhưng nước sông lên xuống thất thường nên không triển khai được. Chiềng Sại đã được hỗ trợ 2 mô hình cây ăn quả thí điểm, sau đó nhân rộng, hiện đã chuyển khoảng 1/3 diện tích đất nương sang trồng cây ăn quả theo chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Từ sự hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo cho người dân cây giống, con giống, nhiều hộ dân ở Chiềng Sại đã từng bước thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn gần 30%, đã có một số hộ thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Từ thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tình hình kinh tế, xã hội của Bắc Yên đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 4%/năm, đến hết năm 2018 còn 27,72 %. Huyện đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 10,33 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được là điều kiện tốt để huyện Bắc Yên tiếp tục phát huy các nguồn lực đầu tư cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 23%.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới