Lên thuyền chở khách từ bến thuyền dưới chân cầu Tạ Khoa cùng với người dân Pắc Ngà, chúng tôi được nghe câu chuyện về phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã những năm qua.
Người dân bản Lừm Thượng C, xã Pắc Ngà (Bắc Yên) chăm sóc lúa mùa.
Sau 2 giờ đồng hồ trên thuyền đến xã, đón chúng tôi là đồng chí Lò Văn Hảo, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà. Ông cho biết: Xã có gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, người dân chỉ làm nghề thuần nông, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô, sắn, dong riềng... Song đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp bởi 2 bên bờ sông sạt lở, một phần thì bị xói mòn và bạc màu sau nhiều năm canh tác. Đất sản xuất chủ yếu là đồi, có độ dốc khá lớn, vị trí cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn nên việc giao lưu, buôn bán hàng hóa và tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế. Do vậy, việc định hướng cho người dân lựa chọn cây trồng phù hợp là một bài toán khó. Chính quyền xã Pắc Ngà đã chỉ đạo Ban quản lý các bản đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp tục mở rộng việc khai hoang diện tích ruộng bán ngập vào mùa nước cạn ở các bản ven sông, thâm canh tăng vụ, nhất là sản xuất vụ đông để tăng thêm thu nhập; xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, trồng thêm cỏ voi và tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để chủ động thức ăn vụ đông cho đàn vật nuôi...
Qua tìm hiểu được biết, từ nguồn vốn được hỗ trợ, một số hộ dân trong xã đã chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế như nhãn chín muộn, xoài Đài Loan... Đến nay, toàn xã đã có 210 ha cây ăn quả các loại. Cùng với đó, để nâng cao năng suất các loại cây lương thực, đặc biệt là trồng lúa trên diện tích ruộng bán ngập ven sông khi nước rút, xã đã chỉ đạo các bản vận động nhân dân đưa các giống lúa mới cho năng suất cao vào gieo trồng. Điển hình là bản Tà Ỉu, đã thâm canh 3,5 ha ruộng bán ngập, năng suất đạt gần 10 tấn thóc/ha...Từ hiệu quả của mô hình ruộng bán ngập ở Tà Ỉu, đã mở ra hướng sản xuất, tạo thêm sinh kế ở Pắc Ngà, đó là theo dõi thời điểm nước rút, huy động nhân dân tích cực cải tạo các bãi bán ngập ở các bản thành khu vực trồng rau màu, gieo cấy lúa ngắn ngày, bảo đảm lương thực tại chỗ, người dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, người dân còn đầu tư chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng quy mô đàn và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Hiện, Pắc Ngà có hơn 3.630 con trâu, bò; trên 3.200 con lợn hơn 2 tháng tuổi và trên 16.800 con gia cầm các loại.
5 năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, Chương trình giảm nghèo 135... xã đã xây dựng được một số mô hình phát triển kinh tế, như trồng cây ăn quả trên đất dốc; chăn nuôi gia súc tập trung; đánh bắt thủy sản trên sông Đà... Kết quả ban đầu chưa thật nổi trội, nhưng điều ghi nhận là sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong xã. Điển hình như: Gia đình ông Vũ Văn Mạnh, bàn Ảng có 1.225 m² cây ăn quả đã cho thu sản phẩm hay ông Hà Văn Khăn, bản Ảng có 3.250 m² các loại cây nhãn, xoài đã cho quả bói... Từ đó, nhiều hộ đã học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Pắc Ngà giảm còn 27,93%. Người dân tích cực tham gia đóng góp tiền của xây dựng nông thôn mới, toàn xã đã làm được hơn 11 km đường bê tông.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lường Văn Muổi, Bí thư chi bộ bản Nong Cóc, chia sẻ: Sau khi được tuyên truyền về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất nương, một số hộ dân trong bản đã chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây xoài Đài Loan và cây táo. Cùng với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, bản thân tôi còn đi học hỏi kinh nghiệm, kiến thức trồng cây ăn quả ở các bản khác trong xã để về áp dụng vào thực tế sản xuất. Hiện nay, bản có 4 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn và táo... đầu năm nay, bà con đã khai hoang 5 ha ruộng hai vụ, đồng thời, trồng 35 ha cỏ voi để làm thức ăn cho 512 con trâu, bò.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong đổi mới cách nghĩ, cách làm, cùng sự quyết tâm, đồng lòng giải bài toán thoát nghèo của cấp ủy, chính quyền xã và người dân Pắc Ngà, tin rằng cuộc sống của người dân ở vùng đất ven sông này sẽ có nhiều đổi thay tích cực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!