Bắc Yên tạo việc làm cho lao động nông thôn

Với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1/3 dân số toàn huyện, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, huyện Bắc Yên đã có nhiều giải pháp giúp hỗ trợ người dân, trong đó, tập trung đào tạo nghề và kết nối với các đơn vị tuyển dụng lao động tạo việc làm cho lao động địa phương.

Người dân bản Hang Chú, xã Hang Chú (Bắc Yên) có việc làm sau khóa học sửa xe máy.

Qua tìm hiểu được biết, tỷ lệ người lao động ở các xã chưa có việc làm khá cao, chủ yếu làm nghề nông nghiệp theo mùa vụ. Do đó, nguồn thu nhập cả năm của họ trông chờ vào những nương ngô, nương lúa nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi về định hướng việc làm cho lao động nông thôn, ông Lò Văn Đông, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Thực hiện phương châm “Cho người nghèo chiếc cần câu” để thoát nghèo, từ năm 2012 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, trong đó đã tổ chức 26 hội nghị tư vấn dạy nghề và kết nối người lao động với các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh; tổ chức nhiều lớp dạy nghề... Qua thống kê có khoảng 80% số lao động có việc làm sau đào tạo.

Cũng theo ông Lò Văn Đông, để hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhiều năm nay, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã rà soát số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm cũng như nhu cầu học nghề và nguyện vọng của họ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt tư vấn, đào tạo nghề phù hợp; tăng cường giới thiệu lao động cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn trong tỉnh, ngoài tỉnh. Đồng thời, hàng năm tổ chức từ 2-3 hội nghị tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động có thời hạn tại các xã cho hàng nghìn người trong độ tuổi lao động, như: Quân nhân xuất ngũ, người nghèo, học sinh lớp 12...

Từ các nguồn vốn của Nghị quyết 30a, Chương trình 135 và nguồn kinh phí đảm bảo an sinh xã hội của huyện được giao hằng năm, các xã đã khảo sát, lựa chọn đối tượng tham gia các chương trình đào tạo nghề, tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật đối với nghề nông; thống kê những lao động có nguyện vọng làm việc tại các khu công nghiệp hay khu khai thác khoáng sản ở các tỉnh miền xuôi… Sau mỗi khóa học đều thực hiện kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học viên, nhằm đánh giá chất lượng sau khi được đào tạo để rút kinh nghiệm cho các khóa học sau và hướng người lao động làm quen với tác phong làm việc trên lĩnh vực nghề mới. Cùng với đó, huyện còn tạo cơ hội cho lao động nông thôn có điều kiện tiếp xúc với các doanh nghiệp và những người sử dụng lao động để hiểu rõ hơn về yêu cầu cũng như điều kiện đối với lao động của từng lĩnh vực nghề để lựa chọn học nghề phù hợp. Với cách làm trên, từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động địa phương, trong đó 40% lao động là người dân tộc thiểu số.

Cán bộ xã Xím Vàng (Bắc Yên) hướng dẫn người dân làm thủ tục đi học nghề. 

Anh Mùa A Tu, chủ hiệu sửa xe máy ở bản Hang Chú, xã Hang Chú, chia sẻ: Năm 2012, tôi xin học nghề sửa chữa xe máy do huyện tổ chức dành cho lao động nông thôn. Trong thời gian học, tôi được hướng dẫn tỉ mỉ và được thực hành theo cách “cầm tay chỉ việc” nên đã nắm bắt kiến thức và kỹ năng cần thiết của nghề sửa chữa xe máy. Trở về sau khóa đào tạo nghề, tôi đầu tư mở hiệu sửa chữa xe máy cho bà con, thu nhập khá ổn định.

Với phương châm: “Cho hộ nghèo cần câu chứ không cho con cá”, thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu của người sử dụng lao động để tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo, giúp lao động nông thôn nắm bắt tốt các kiến thức được đào tạo để áp dụng vào thực tế, từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới