Nguồn vốn tín dụng Agribank thúc đẩy nông nghiệp nông thôn

Với phương châm “Mang phồn thịnh đến khách hàng”, Agribank Chi nhánh huyện Sông Mã đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, từng bước vươn lên khá giả.

 

Từ nguồn vốn vay Agribank Công ty TNHH Thương mại Tiến Tâm (Sông Mã) đầu tư mở rộng sản xuất.

Theo giới thiệu của Agribank Chi nhánh huyện Sông Mã, chúng tôi ngược sông Mã đến HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thịnh (bản Mé, xã Nà Nghịu), một mô hình HTX điển hình về sản xuất, kinh doanh hiệu quả của huyện Sông Mã. Đang cùng các thành viên của HTX cắt tỉa, lai ghép và chăm sóc vườn nhãn sau thu hoạch, anh Lường Văn Thoan, Giám đốc HTX vẫn dành thời gian cho chúng tôi. Anh cho biết, trước đây do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật chăm sóc, nên nhãn kém năng suất, chất lượng. Từ khi được Agribank Chi nhánh huyện Sông Mã cho vay vốn, HTX đã mua vật tư, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật lai ghép và mua thêm giống nhãn mới. Đến nay, 15 thành viên của HTX đã có gần 30 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo năng suất, chất lượng. Vụ nhãn vừa qua, thu hoạch gần 250 tấn, doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi thành viên thu nhập gần 200 triệu đồng. Với số tiền này, các thành viên không chỉ trả được cả gốc lẫn lãi vay của ngân hàng, mà còn đầu tư mở rộng diện tích.

Tiếp tục tìm hiểu về hiệu quả sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Sông Mã tại Công ty TNHH Thương mại Tiến Tâm (xã Nà Nghịu), chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Giám đốc Nguyễn Tiến Tâm nói với chúng tôi: Sau khi nghiên cứu thị trường và tham quan ở một số nơi, Công ty đã vay vốn Agribank Chi nhánh Sông Mã, đầu tư dây chuyền sản xuất lưới thép B40; xưởng cán ép tôn tấm lợp dân dụng, phục vụ cho các công trình xây dựng và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, kinh doanh điện dân dụng, vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải, xăng, dầu, chế biến hàng nông sản... Đến nay, doanh thu của doanh nghiệp đạt 40 đến 50 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12-15 lao động, thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị, ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Sông Mã cho biết: Hằng năm, Chi nhánh bám sát định hướng phát triển KT-XH của địa phương để huy động vốn và triển khai các gói tín dụng phù hợp. Trong đó, tập trung đầu tư tín dụng vào các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp bà con nông dân gieo trồng, chăn nuôi, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt hơn 400 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 1.300 tỷ đồng, duy trì khoảng 10.000 khách hàng, chiếm 70% tổng dư nợ các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

 Được biết, Agribank Chi nhánh huyện Sông Mã còn xây dựng kế hoạch phát triển theo các chương trình, dự án nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục vay, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ để ngày càng nhiều khách hàng là nông dân tiếp cận được vốn vay. Bên cạnh đó, coi trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, như tiền gửi linh hoạt, tiết kiệm có kỳ hạn, đầu tư linh hoạt; dịch vụ Mobile Banking, BankPluss, M-Pluss; dịch vụ thẻ ATM...; triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với tình hình hoạt động tại địa phương, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp cận các tổ chức, cá nhân để phát hành thẻ, mở tài khoản thanh toán, triển khai các dịch vụ tại địa bàn nông thôn... Đặc biệt, Agribank Chi nhánh Sông Mã đã có sáng kiến dùng Sổ tay vay vốn/Tổ liên kết, trong đó, đề cập đến những vấn đề quan trọng trong việc vay vốn và cho vay phát cho các tổ trưởng ghi danh sách, số điện thoại các tổ viên, để khi các tổ viên có nhu cầu vay vốn thì tổ trưởng tổng hợp rồi đề nghị với cán bộ Chi nhánh xuống cơ sở xem xét, thẩm định và giải ngân mà các tổ viên không phải mất thời gian và công sức đi lại, hoặc các tổ viên vay vốn có vi phạm quy ước của tổ và các quy định của ngân hàng thì các tổ trưởng vay vốn có trách nhiệm nhắc nhở. Do vậy, chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát, bảo đảm an toàn, không có nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh; tiền lãi luôn đảm bảo thu đủ hằng tháng, nhanh, gọn, cập nhật kịp thời các quy định... Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Sông Mã đã giúp cho nông nghiệp nông thôn và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp của huyện không ngừng được mở rộng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới