Yên Châu đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Những năm qua, huyện Yên Châu đã khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

Nông dân xã Chiềng Khoi đưa cơ giới vào làm đất gieo cấy lúa xuân.

 

Năm 2019, huyện Yên Châu đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức 138 lớp tập huấn về chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất VietGAP trên cây ăn quả; hướng dẫn các hộ dân sản xuất, thu hoạch nông sản đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Đồng thời, triển khai nhiều dự án, xây dựng các mô hình đưa giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích; triển khai trồng thử nghiệm một số loại giống cây biến đổi gen có đặc tính ưu việt; ứng dụng công nghệ sinh học, các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng, nông sản sau thu hoạch; ứng dụng quy trình công nghệ mới vào chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại, quy mô công nghiệp. Qua đó, giúp nông dân được học hỏi, ứng dụng tiến bộ KHKT, tiết kiệm chi phí sản xuất, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Đến nay, nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng rau thủy canh tại xã Sặp Vạt; mô hình sản xuất ngô bền vững trên đất dốc có vật liệu che phủ quy mô 60 ha tại xã Lóng Phiêng; mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI, quy mô 2,6 ha tại xã Chiềng Đông, Sặp Vạt. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, huyện Yên Châu còn triển khai hỗ trợ thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt cho 5 HTX với 250 ha cây ăn quả; triển khai thí điểm Trạm quan trắc thông minh tại xã Sặp Vạt và Phiêng Khoài, giúp cảnh báo thời tiết, cảnh báo cháy rừng, lũ quét, phòng trừ sâu bệnh hại trên địa bàn.

 

Với cách làm cụ thể, khoa học, đến nay, huyện Yên Châu có 567 ha cây ăn quả được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó 260 ha nhãn chín muộn, 300 ha xoài được áp dụng kỹ thuật ghép mắt và 7 ha chuối cấy mô. Các cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng xoài trên địa bàn. Toàn huyện có 78 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và 357 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, có liên kết với các đơn vị xuất khẩu sử dụng camera theo dõi quy trình sản xuất trực tiếp thông qua kết nối mạng Internet, điển hình là mô hình trồng nhãn miền thiết của hộ ông Nguyễn Đức Tình, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng liên kết với Công ty cổ phần Greenpath, cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng xoài tượng da xanh của bà Hoàng Thị Thảo, thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, liên kết với Công ty cổ phần Greenpath và Công ty TNHH Thanh Tùng Sơn La xuất khẩu sang thị trường Úc và Trung Quốc, cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm... Về chăn nuôi, huyện đã vận động người dân chú trọng áp dụng hệ thống tự động cho vật nuôi ăn, uống; sử dụng đệm lót sinh học; xây dựng 45 công trình khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi... Nhờ đó, người dân đã giảm được thời gian, công sức lao động và bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập.

 

HTX nông nghiệp Toàn Phát, bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài đã ứng dụng công nghệ cao vào trồng mận hậu với diện tích gần 35 ha. Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, học hỏi thêm kiến thức mới trong sản xuất. Nhờ vậy, năm 2017, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất sang thực hiện mô hình trồng mận theo tiêu chuẩn VietGAP và gắn camera theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất. Diện tích mận hậu của HTX trồng theo phương pháp hữu cơ, vườn được cắm biển, khoanh vùng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao, năng suất và chất lượng tăng khoảng 30% so với cách trồng mận truyền thống. Ngoài áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, HTX đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, nên tiết kiệm được chi phí, công sức lao động. Năm 2019, HTX thu hoạch gần 100 tấn quả, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

 

Có thể thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện Yên Châu đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao giá trị của nông sản và tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh quy hoạch, phân vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông sản; xây dựng các mô hình sản xuất mới, tăng cường hoạt động chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHKT cho nông dân. Đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ các giống cây trồng, vật nuôi mới, giúp việc ứng dụng KHKT hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới