Mùa nhãn ở Yên Châu

Những ngày tháng tám, chúng tôi về Yên Châu, vùng quê chuối ngọt, xoài thơm. Bây giờ, vùng đất này không chỉ có xoài tròn ngọt lịm với thương hiệu và chỉ dẫn vùng trồng, mà còn có thêm những đồi nhãn bạt ngàn ngút tầm mắt, sản xuất theo quy trình VietGAP đang vào độ chín rộ, thêm no ấm cho đồng bào nơi đây.

                                 

Người dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) thu hoạch nhãn.                                         

Ảnh: PV

           

Là huyện có diện tích nhãn đứng thứ 3 toàn tỉnh với 2.165 ha nhãn, sản lượng đạt trên 15.000 tấn, các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài và Chiềng Đông của huyện Yên Châu đang tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp, HTX cũng tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

           

Tại HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng có 100 ha, hơn 80 ha nhãn được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Nhận định trước những khó khăn do dịch bệnh, ngay từ đầu vụ, HTX đã liên kết tìm thương lái ở các chợ đầu mối trong nước để tiêu thụ nhãn cho thành viên và các bản lân cận. Mỗi ngày HTX thu mua 30 tấn nhãn tươi với giá từ 9.000-13.000 đồng/kg bán cho các thương lái chợ đầu mối tại Thanh Hóa, Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, HTX mong muốn các cơ quan chức năng làm nhanh các thủ tục, giấy tờ cấp thẻ nhận diện phương tiện, cũng như phân luồng xanh cho các xe chở hàng của HTX; tạo điều kiện cho đội ngũ lái xe của HTX được tiêm phòng COVID-19...

           

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, cho biết: Xã có diện tích nhãn lớn nhất huyện Yên Châu với 520 ha nhãn; trong đó, có 410 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 4.100 tấn/năm. Năm nay, thời tiết khí hậu thuận lợi, người dân trong xã đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quy trình sản xuất nên nhãn sai quả, mẫu mã đẹp. Hiện nay, mỗi ngày trong xã có 3 điểm thu mua trung bình gần 100 tấn nhãn tươi tiêu thụ tại các chợ đầu mối của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội với giá bán từ 8-12 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, trong xã có 4 lò sấy long, tiêu thụ trên 30 tấn nhãn tươi/ngày; đến nay, toàn xã đã tiêu thụ hơn 359 tấn nhãn tươi.

           

Người dân xã Lóng Phiêng thu hoạch nhãn.

           

HTX Thanh Sơn, xã Tú Nang có 90 ha nhãn, sản lượng nhãn đạt gần 1.000 tấn/năm, các thành viên cũng đang tập trung cho vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX thông tin: Nhãn của HTX trồng theo hướng hữu cơ nên mẫu mã quả đẹp, độ đường cao, ngọt. Do dịch bệnh, nhãn năm nay tiêu thụ chậm hơn, mỗi ngày HTX thu mua hơn 5 tấn nhãn tươi bán ở chợ đầu mối tại tỉnh Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội với giá từ 8-13 nghìn đồng/kg. Hiện, Ban Giám đốc HTX đang tiếp tục liên kết với các bạn hàng, thương lái để tiêu thụ nhãn cho các thành viên.

           

Lường trước tác động của dịch bệnh COVID-19, từ cuối năm 2020, anh Khuất Văn Bình, xã Chiềng Hặc đã đầu tư hơn 500 triệu đồng mua thiết bị, máy móc xây lò sấy làm long nhãn. Hiện, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu mua 2 tấn nhãn tươi với giá 6.000 đồng/kg, sơ chế được hơn 2 tạ long, giá bán 125 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, cơ sở đã sản xuất được 12 tấn long nhãn. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng đầu tư mua container lạnh bảo quản nhãn tươi để sấy và liên kết với 1 doanh nghiệp sấy nhãn của tỉnh Hưng Yên thu mua mỗi ngày từ 10-15 tấn nhãn cho người dân trong xã.

           

Vụ thu hoạch nhãn chính vụ trên địa bàn huyện thường bắt đầu từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8; nhãn chín muộn vào tháng 9, tháng 10. Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện chủ động mời các doanh nghiệp có mối liên hệ từ các năm trước, các đơn vị đầu mối, hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh khảo sát nguyên liệu và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các văn bản của Tổng Cục đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải về cấp thẻ nhận diện phương tiện, phân luồng xanh đối với các tỉnh thực hiện dãn cách theo Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tính từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ đạt trên 7.300 tấn; trong đó, có hơn 10 HTX trong huyện đứng ra thu mua bán tại hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố; một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện cũng đầu tư 18 lò sấy long nhãn, góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người dân địa phương.

           

Với sự tích cực, chủ động của người dân và hỗ trợ của các cấp, các ngành trong triển khai các quy trình, kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn; xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ; chủ động triển khai các phương án chế biến, tiêu thụ nhãn, đã góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mang lại mùa nhãn ngọt cho bà con nông dân huyện Yên Châu. 

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới