Đổi thay vùng quê Mường Lựm

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi về Mường Lựm, vùng đất quần cư lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao. Đây còn là nơi thành lập Chi bộ Yên Châu - tiền thân của Đảng bộ huyện Yên Châu. Phát huy truyền thống cách mạng, tiếp nối các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Lựm luôn đoàn kết, xây dựng bản mường đổi mới.

 

Giáo dục truyền thống cho học sinh tại di tích địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu.

 

Mường Lựm mùa này cây ăn quả vẫn xanh mướt trên các sườn đồi, cánh đồng lúa chín trải dài dưới thung lũng, xa xa những tuyến đường bê tông uốn lượn vắt ngang đồi, sườn núi thật đẹp mắt. Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lò Văn Chẹt, nguyên Bí thư Chi bộ xã Mường Lựm giai đoạn 1970-1985. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 83 với 59 năm tuổi Đảng nhưng còn khá minh mẫn. Trong câu chuyện với chúng tôi về truyền thống cách mạng của người dân nơi, ông kể: Năm 1947, sau khi chiếm lại Sơn La, tại Mường Lựm, chúng cho xây dựng đồn bốt, bố trí một trung đội lính thường xuyên tổ chức các đợt càn quét, cướp phá, khiến cho nhân dân vô cùng căm phẫn. Ngày 11/6/1948, tại khu vực cây đa Nóng Luông, bản Lựm (nay là bản Na Băng), Chi bộ Yên Châu được thành lập. Chi bộ gồm 4 ngườí, đồng chí Trần Quang Hòa được chỉ định làm Bí thư. Chi bộ ra đời là tiền thân của Đảng bộ huyện Yên Châu sau này. Với những giá trị lịch sử, năm 2018, địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nhâm nhi ngụm nước chè, ông Chẹt kể tiếp: Ngày đó, hơn 20 đảng viên của Chi bộ đã tuyên truyền, vận động người dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu; khai hoang trồng lúa, trồng ngô, sắn để giải quyết cái đói; vận động người dân cùng thanh niên xung phong mở đường về xã để đi lại thuận tiện hơn, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần thống nhất đất nước...

Từ những đảng viên ban đầu, đến nay, Đảng bộ xã có hơn 260 đảng viên sinh hoạt tại 14 chi bộ trực thuộc tiếp tục tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, phát huy vai trò của người đảng viên cùng nhân dân xây dựng bản mường ngày càng thay đổi.

Trở lại Mường Lựm hôm nay được chứng kiến nhiều đổi thay, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng. Mường Lựm có 10 bản, trong đó có 6 bản vùng thấp, 4 bản vùng cao với những tiềm năng, lợi thế khác nhau được định hướng phát triển kinh tế theo vùng. Đối với các bản vùng thấp phát triển canh tác lúa nước, trồng các loại rau màu và giảm dần diện tích cây ngô trên đất dốc sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đàn gia cầm các loại. Đối với 4 bản vùng cao giảm mạnh diện tích đất trồng ngô, lúa nương sang trồng các loại cây ăn quả; bảo vệ rừng, chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò theo hướng trồng cỏ nuôi nhốt chuồng.

Đồng chí Hoàng Văn Chức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Lựm, cho biết: Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã phát huy tốt truyền thống yêu nước của cha ông, luôn đoàn kết xây dựng quê hương đổi mới. Xã tập trung khai thác lợi thế, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và ưu tiên vốn cho sản xuất.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Mường Lựm đã chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu nên việc canh tác nông nghiệp ở Mường Lựm rất phong phú với những cánh đồng lúa nước trải rộng dưới các thung lũng với gần 60 ha. Trong đó, chủ yếu trồng giống lúa đặc sản nếp tan Mắc Đươi, được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh có giá trị kinh tế cao; bình quân 20 nghìn đồng/kg thóc và 40 nghìn đồng/kg gạo.

Những năm gần đây, người dân chuyển đổi 230 ha cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng mận, xoài, nhãn; trong đó, gần 150 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 800 tấn/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa với trên 4.700 con gia súc, 18.000 con gia cầm; tận dụng hệ thống suối, hồ để nuôi và đánh bắt thủy sản; bảo vệ tốt hơn 3.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 61%. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến, 70% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 99% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; gần 10 km đường liên bản, nội bản được bê tông hóa...

Hiện nay, Mường Lựm chuẩn bị được đầu tư tuyến đường giao thông từ Mường Lựm đến Tân Lập (Mộc Châu); triển khai một số dự án bảo tồn phát triển rừng, trồng cây ăn quả dọc hai bên đường, các đảo trên hồ; thu hút các đơn vị đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Vùng quê cách mạng Mừng Lựm đang từng ngày thay đổi. Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Mường Lựm rất mong tiếp tục được sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh thông qua các chương trình, dự án để vươn lên xóa đói nghèo bền vững, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

 

Đỗ Thị Minh Thu (Trường Chính trị tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới