Giống cây ăn quả lưu vườn là một khái niệm mới được dùng để chỉ loại giống cây ăn quả sau khi ươm bằng hạt và ghép mắt bằng giống chất lượng cao (khoảng 24 tháng tính từ lúc ươm hạt giống) đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn được nhà vườn lưu lại 1, 2 năm mới xuất vườn. Với ưu điểm từ khi trồng đến khi thu hoạch rút ngắn từ 3 năm xuống còn 1 đến 2 năm, tỷ lệ cây sống đạt trên 95% nên giống cây lưu vườn hiện đang là xu hướng được nhiều hộ dân lựa chọn.
Theo Đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh đến năm 2020, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 100.000 ha (tăng gấp đôi so với hiện nay). Như vậy, giai đoạn 2018 - 2020 toàn tỉnh sẽ trồng mới 52.000 ha cây ăn quả, tương đương từ 21 đến 24 triệu cây giống. Tính ra bình quân mỗi năm tỉnh ta cần khoảng 7 đến 8 triệu cây giống. Theo đó, để đảm bảo nguồn giống cây ăn quả chất lượng ngày 15/3/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 28 về Quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ kinh phí cho các HTX xây dựng mô hình vườn ươm giống cây ăn quả lưu vườn. Nắm bắt cơ hội này, có 10 HTX đăng ký xây dựng. Đến nay, 7 vườn ươm đã được hoàn thành, nghiệm thu và đi vào sản xuất, gồm: Vườn ươm của HTX Nông nghiệp Nam Phượng và vườn ươm của Công ty TNHH Nông nghiệp Một thành viên lâm nghiệp Sông Mã, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp); HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót và HTX Dịch vụ nông nghiệp nhãn chính muộn, xã Chiềng Mung (Mai Sơn); HTX Thuận Sơn, xã Tông Lạnh (Thuận Châu) và HTX Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Thanh Sơn, thị trấn Bắc Yên (Bắc Yên); còn 3 vườn ươm của huyện Phù Yên, Mộc Châu và Thành phố đang hoàn thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) cho biết: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng, HTX đã xây dựng vườn ươm quy mô 2 ha, gồm các hạng mục: Hệ thống vườn ươm cố định, bố trí phân khu các loại vườn theo thiết kế, hệ thống nhà lưới cho khu vườn gieo ươm cây gốc ghép và vườn đào cây theo quy định; các hạng mục phụ trợ trong khu vực vườn ươm như: nhà điều hành, hệ thống đường đi lại, hệ thống cung cấp nước tưới, cung cấp điện, hệ thống rào bao quanh vườn ươm... cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho hệ thống vườn ươm theo tiêu chuẩn ngành quy định. Hàng năm, HTX xuất vườn khoảng 150.000 đến 170.000 cây giống lưu vườn các loại như: Bưởi, cam, xoài, hồng xiêm, hồng giòn, nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, ổi không hạt, na dai, na thái, me thái... cho các hộ dân mua lẻ từ các huyện và các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2018 cây giống của HTX đã được xuất khẩu sang nước Cộng hòa DCND Lào để làm mô hình và xây dựng vườn cây đầu dòng cho nước bạn tại Trung tâm khuyến nông huyện Pha U đôm, tỉnh Bò Kẹo. 100% cây giống khi xuất vườn của HTX đã được đảo bầu nên tỷ lệ cây sống sau khi trồng đều đạt trên 95%. Vụ trồng cây ăn quả năm 2019, HTX sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 cây giống các loại; giá bán dự kiến thấp hơn giá thị trường khoảng 5% đến 10%.
Từ danh sách các hộ dân đầu tiên sử dụng giống cây ăn quả lưu vườn do HTX Ngọc Lan cung cấp, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Minh Bắc, bản Tiến Sơn, xã Hát Lót (Mai Sơn). Ông Bắc giới thiệu: Tháng 6 năm 2016, tôi chuyển đổi gần 2 ha đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng giống nhãn và xoài bằng giống lưu vườn, với giá gần 100.000 đồng/cây nhãn và trên 50.000 đồng/cây xoài. 1 năm sau trồng, vườn nhãn, xoài đã ra hoa đậu quả. Tiếp đó, năm 2017, gia đình tôi mua thêm 200 cây nhãn và xoài giống lưu vườn của HTX Ngọc Lan về trồng, nâng tổng số cây nhãn và xoài lên 2.000 cây. Nói về giống cây lưu vườn, ông Bắc nhận xét: Trồng năm trước năm sau cây đã ra hoa, tỷ lệ cây sống đạt cao; năm nay gia đình đã thu được hơn 10 tấn xoài, nhãn/ha. Lý giải sản lượng chưa cao, ông Bắc, nói: Do năm nay gia đình tập trung tỉa cành, tạo tán, năm sau khi vườn xoài, nhãn trưởng thành sản lượng sẽ tăng gấp 2, 3 lần so với năm nay. Cách đó không xa là gia đình ông Lò Văn Nim, bản TĐC Hoa Quỳnh, xã Hát Lót bắt nhịp xu hướng sử dụng giống cây ăn quả lưu vườn, năm 2017, gia đình ông mua 260 cây giống xoài da xanh bằng giống lưu vườn của HTX Ngọc Lan về trồng. Đúng 1 năm sau trồng, vườn xoài đã ra hoa. Tuy nhiên, để tạo đà cho cây phát triển, gia đình ông đã ngắt bỏ hoa để cây phát triển khỏe mạnh. Ông Nim, cho biết: Trồng bằng giống cây lưu vườn nhanh cho quả, tỷ lệ cây sống đạt cao, cả vườn chỉ có một cây chết phải trồng dặm lại, vụ tới vườn xoài sẽ cho thu hoạch.
Tuy nhiên, giống cây ăn quả lưu vườn về giá thành thường cao hơn so với giống ươm, triết ghép từ 2 đến 3 lần. Cụ thể, vụ trồng cây ăn quả vừa qua, giá 1 cây giống xoài da xanh trung bình là 18.000 đồng/cây nhưng cây lưu vườn 1 năm 30.000 đồng/năm, lưu vườn 2 đến 3 năm tuổi có giá từ 75.000 đồng đến 100.000 đồng/cây; nhãn ghép 25.000 đồng/cây, cây lưu vườn 1 năm tuổi 60.000 đồng/cây, lưu vườn 2, 3 năm tuổi từ 75.000 đồng đến trên 150.000 đồng/cây; bưởi da xanh ruột hồng ghép 20.000 đồng/cây, còn cây lưu vườn 1 năm 45.000 đồng/cây, lưu vườn 2 năm 70.000 đồng/cây… Đây cũng là mức giá của hầu hết các loại giống cây ăn quả lưu vườn khác được các HTX giao bán.
Việc triển khai xây dựng vườn ươm sản xuất giống cây ăn quả lưu vườn trên địa bàn các huyện, thành phố là việc làm thiết thực, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển vùng sản xuất cây ăn quả có chất lượng cao, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới, các huyện, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả để sản xuất giống lưu vườn, tiến tới mỗi huyện, Thành phố có từ 1 đến 2 vườn ươm giống cây ăn quả lưu vườn. Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giống cây ăn quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!