Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hơn 50 vạn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Ảnh: Tư Liệu
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, bản tuyên ngôn chứa đựng những nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.
Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do, độc lập mà tự mình giành được: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã dũng cảm đứng về phía Đồng minh chống phát xít Nhật; dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập Và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Bản Tuyên ngôn chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại châu Thuận Châu ngày 7 tháng 5 năm 1959.
Ảnh: Tư Liệu
Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của đất nước, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.
Dưới sự lãnh đao của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Và chúng ta càng thêm tự hào khi trải qua 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định. Độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
76 năm qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng đất nước ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Huy Ngoan (BS)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!